Sau 5 năm thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trên từng lĩnh vực, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn nhiều chương trình, chủ trương vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Việc nhìn nhận lại những việc đã làm được và chưa được cũng là dịp để Hà Nội tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới.
Bài 1: Đổi thay bộ mặt nông thôn Thủ đô
Trong 5 năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đã hết nghèo
Dẫn chúng tôi đi tham quan trên con đường nối liền hai thôn Đồng Ké và Phú Mỹ (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) đã được trải bê tông sạch sẽ, anh Nguyễn Viết Đăng, trưởng thôn Đồng Ké chia sẻ: Thôn có 141 hộ với 564 khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 85%. Cách đây 5 năm, đường vào thôn Đồng Ké toàn là đường đất, nắng thì bụi mù mịt, mưa lại lầy lội, người không quen phải bám ghì chân mới đi được. Thôn ở cách trung tâm xã gần 7 cây số, không có trạm y tế, trường xuống cấp trầm trọng, tỉ lệ trẻ em bỏ học khá nhiều. Đời sống của người dân đặc biệt khó khăn, chỉ trông chờ vào làm ruộng nên nghèo nàn, lạc hậu. Cái đói nghèo luôn bám lấy bà con Đồng Ké. Đây cũng là thôn có tỉ lệ hộ nghèo 30%, cao nhất xã.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN |
Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Đồng Ké bắt đầu “thay da đổi thịt”. Con đường liên thôn dài 1.000 m đã được nâng cấp bê tông hóa. Các công trình: nhà trẻ, nhà văn hóa, phân trạm y tế, đã và đang trong thời gian hoàn thành, với kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 10%. Người dân được hỗ trợ bằng các chương trình vay vốn tín chấp của Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, từ nguồn của các Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn vay ban đầu từ 10 - 20 triệu, lãi suất thấp và được tư vấn đầu tư vào chăn nuôi, đến nay, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, lợn hướng nạc, gia cầm... Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Đình Thủy, đang nuôi 7 con lợn nái và 30 con lợn thịt, cộng thêm với nghề xay xát gạo, trồng trọt, mỗi năm anh xuất 7 tấn lợn, thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Bình, Phó Chủ tịch xã Trần Phú, đánh giá: “5 năm trở lại đây, Đồng Ké là thôn có nhiều điển hình làm kinh tế giỏi được biểu dương, nhân rộng”.
Còn tại huyện Phú Xuyên, tổng mức đầu tư giai đoạn 2008 - 2013 của huyện đạt 1.433 tỷ đồng cho 202 dự án, gấp khoảng 30 lần so với thời kỳ 5 năm trước. Trong số 202 dự án được đầu tư, huyện đã hoàn thành được 171 dự án, tập trung ở các lĩnh vực giao thông và giáo dục. Về xây dựng nông thôn mới, xã điểm Đại Thắng của huyện đã đạt 17 tiêu chí; 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, còn lại đạt từ 6 đến 9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người của Phú Xuyên đạt gần 24 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, sự quan tâm ưu tiên hệ thống hạ tầng cơ sở của các huyện ngoại thành Hà Nội đang tạo cú huých trong giao thương hàng hóa và làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
Tập trung cho nông nghiệp
Đánh giá về công tác đầu tư cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của thành phố, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định: Sau 2 năm thực hiện, chương trình 02 “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” của Thành ủy, đến nay thành phố đã có 161/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí; trong đó có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chạm khắc tượng Phật tại làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
|
Hàng năm, ngân sách thành phố đầu tư cho các huyện ngoại thành tăng từ 20 - 30%. Trung bình mỗi năm, ngân sách dành cho nông nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng. Thành phố đã hình thành 34 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô trên 10.000 ha tại 11 huyện; đồng thời xây dựng một số mô hình sản xuất hoa, vùng cây ăn quả giá trị kinh tế cao và bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế. Do đó, đời sống của nông dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu đồng/người/năm (2008) lên 21,3 triệu đồng/người/năm (2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,86%/năm; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Xuân Minh - Minh Ngọc
Bài 2: Hoàn thiện quy hoạch để Thủ đô phát triển