Tọa đàm là cơ hội cho các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận những chính sách liên quan tới ESG, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kết nối trong nỗ lực hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Thuật ngữ Môi trường - Xã hội - Quản trị (gọi tắt bằng 3 chữ cái đầu tiếng Anh là ESG) đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thuật ngữ ESG xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong một báo cáo của Liên hợp quốc. Sau gần 2 thập kỷ, việc thực hành ESG ngày càng phổ biến đã cho thấy xu hướng tích cực trong hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, vì lợi ích của xã hội và cộng đồng. Phát triển bền vững trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp họ xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược kinh doanh.
Tại Việt Nam, ESG đã, đang trở thành xu hướng nổi trội, ngày càng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cũng như cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giảm thải khí carbon, rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng với các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó tổng giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và con người, đồng thời quản lý các nguồn lực hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe người dân là ưu tiêu hàng đầu. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng nước ta đã khẳng định phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp nguồn lực trong và ngoài nước; phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức quốc tế trong hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động. Góp phần lan tỏa việc thực hiện các cam kết, kế hoạch hành động hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, TTXVN luôn chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêu chuẩn ESG để các doanh nghiệp, nhà quản lý có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà quản lý tháo gỡ những khó khăn nổi cộm, nhất ở thời điểm hiện tại, nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai.
Theo Phó tổng giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung, cùng với các sản phẩm thông tin đối ngoại của TTXVN, báo Việt Nam News đã luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt xu thế để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đối ngoại, khẳng định vị thế là tờ báo đối ngoại chủ lực quốc gia có uy tín trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Ban Lãnh đạo TTXVN đánh giá cao nỗ lực của báo Việt Nam News đã có sáng kiến tổ chức tọa đàm có nội dung phù hợp với những đề án, chương trình các bộ, ban, ngành đang quan tâm triển khai, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trên toàn cầu, thuật ngữ "chuyển đổi hệ thống" đang dần được sử dụng ngày càng rộng rãi như một yêu cầu then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Chuyển đổi là thay đổi toàn diện về tư duy, gồm làm mới, tái tạo, kiến tạo cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới dựa trên những nền tảng tư duy, nguồn giá trị mới.
Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do Công ty PwC Việt Nam và Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) thực hiện với 234 doanh nghiệp cho thấy, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG. Điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu tác động của người tiêu dùng, người lao động, nhà đầu tư. Khi được yêu cầu xếp hạng ba yếu tố E-S-G, 62% doanh nghiệp lựa chọn Quản trị (G) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai; các yếu tố Môi trường (E) và Xã hội (S) xếp sau, với tỷ lệ lần lượt là 22% và 16%.
Báo cáo cũng chỉ rõ: 71% doanh nghiệp thiếu hiểu biết về dữ liệu cần có để báo cáo, 70% doanh nghiệp chưa có hoặc hạn chế báo cáo ESG; chỉ có 36% doanh nghiệp sử dụng đối tác bên ngoài để xác thực các thông tin ESG được công bố. Những con số này phần nào đã thể hiện các thách thức, rào cản trong việc doanh nghiệp thực hành ESG tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, từ năm 2016, VCCI, với hạt nhân là Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam hàng năm, với sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Khi soi chiếu vào Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể đánh giá tổng thể "sức khỏe" của mình về quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường; phát hiện ra những lỗ hổng cần khắc phục, tiềm năng phát triển cần được khai thác sớm. Bộ chỉ số CSI cũng là công cụ giúp cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư tốt hơn trong dài hạn.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, thách thức trong quá trình áp dụng các tiêu chí ESG tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; đưa ra khuyến nghị, giải pháp giúp doanh nghiệp thực hành hiệu quả ESG, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.