Hồ đập thủy lợi ở Quảng Trị bị xói lở nghiêm trọng

Sau mùa mưa lũ năm 2017, hiện nhiều hồ đập thủy lợi tỉnh Quảng Trị bị xói lở nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đập là điều khó tránh khỏi. Một số đập lớn như Nam Thạch Hãn, Triệu Thượng 2 tới mức báo động cần được gia cố và sửa chữa.

Nhiều mảng bê tông tại tràn xả lũ đập Nam Thạch Hãn bị hư hỏng nặng. Ảnh: dantri.com.vn

Tại hạ lưu đập tràn Nam Thạch Hãn từng mảng bê tông lớn trên mặt tràn bị bong tróc. Thân tràn bị rỗng, nước ngầm chảy rất mạnh. Nguy hại hơn, gần 30m tường chân khay mái tràn sân sau của hạ lưu tràn Nam Thạch Hãn bị lũ làm gãy ngang.

Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết: Vỡ đập Nam Thạch Hãn đe dọa tới an toàn công trình phía hạ du; do đó, cần xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho tràn khỏi bị vỡ đập, gây hậu quả nghiêm trọng…

Đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Công trình có nhiệm vụ tưới tiêu trên 15 nghìn ha lúa tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị và hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cung cấp nước sạch cho 86.000 dân trong khu vực.

Những năm trước, đập thủy lợi Triệu Thượng 2 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong vốn bị hư hỏng do thiên tai và mùa mưa lũ năm nay tiếp tục hư hỏng. Trường hợp hồ đập không sửa chữa kịp thời, nguy cơ vỡ đập rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới 3.000 người dân và 730 ha đất canh tác cùng nhiều công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật ở hạ du.

Hồ chứa nước Triệu Thượng 2 được xây dựng từ năm 1989 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Đập có kết cấu đất đắp đồng chất, gia cố mái thượng lưu bằng tấm lát bê tông, hạ lưu trồng cỏ... Năm 2013, công trình được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn Dự án Quản lý thiên tai (WB5) gồm các hạng mục: Đập chính và phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh chính.

Cuối năm 2016 vừa qua, Công ty trách nhiệm Hữu hạn một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (đơn vị quản lý, khai thác công trình này) phát hiện mái hạ lưu đập chính bị sạt trượt với chiều dài gần 70 mét, rộng gần 9 mét.

Trước tình trạng trên, các đơn vị liên quan đóng cọc tre chống sạt trượt; đổ đất, đá và lu lèn ở dưới chân đập nhằm gia cố, giữ chân mái hạ lưu con đập, không để sạt trượt thêm. Tuy nhiên, các đợt mưa lũ kéo dài năm 2017 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của con đập vùng bị hư hỏng nói trên. Cụ thể, ở phần mái hạ lưu của đập, đất, đá bị sạt trượt, một số điểm sụt lún xuống sâu.  

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện địa phương lập dự án để trình các ngành trung ương hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh trích nguồn ngân sách địa phương khắc phục thực trạng đập Nam Thạch Hãn và Triệu Thương 2. Trước mắt. xử lý khẩn cấp để đập tràn không bị xói lở mở rộng thêm; đảm bảo an toàn công trình cũng như các hộ dân sống dưới hạ du.

Trần Tĩnh (TTXVN)
Kiểm tra an toàn công trình hồ đập, hạ du và chỉ đạo vận hành tràn xả lũ hồ chứa
Kiểm tra an toàn công trình hồ đập, hạ du và chỉ đạo vận hành tràn xả lũ hồ chứa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Thanh Hóa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn đập, thực hiện tốt nhiệm vụ chống lũ. Đồng thời theo dõi chặt lượng nước đến các hồ chứa, mực nước thượng lưu và hạ lưu đập, tùy tình hình mưa thời gian tới để có phương án xử tríphù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN