Hiệu quả bước đầu khi bố trí Công an chính quy về xã - Bài 1: 'Màu áo xanh' gần cơ sở

Một trong những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và kéo giảm tội phạm đã được ngành Công an triển khai là việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, lực lượng tại chỗ ở cơ sở, tạo sức răn đe, uy hiếp các đối tượng phạm tội.

Những năm qua, chỉ tiêu kéo giảm tội phạm là kết quả công tác rất ấn tượng của lực lượng Công an, vượt chỉ tiêu đăng ký với Quốc hội. Một trong những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và kéo giảm tội phạm đã được ngành Công an triển khai là việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, lực lượng tại chỗ ở cơ sở, tạo sức răn đe, uy hiếp các đối tượng phạm tội. Trong đó, chủ trương bố trí Công an xã chính quy có ý nghĩa quan trọng, tạo bước chuyển biến lớn trong đảm bảo an ninh, trật tự từ cấp cơ sở.

Hoàn thành giai đoạn đầu 

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm trấn áp tội phạm, nhưng muốn kéo giảm tội phạm phải phòng, chống các nguy cơ tiềm ẩn tội phạm, giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội có thể phát sinh tội phạm, vi phạm phát luật. Đồng thời, tổ chức bộ máy cũng có những đổi mới, tăng cường Công an chính quy xuống xã, phường, gần dân, gần cơ sở để giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc trong từng khu phố, từng thôn xóm...

Chú thích ảnh
Công an chính quy và công an viên của xã Xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk triển khai tuần tra đảm bảo an ninh trên địa bàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, việc tăng cường cho cơ sở, trong đó có bố trí Công an xã chính quy là một quá trình, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc: Không tăng biên chế, sử dụng nguyên biên chế hiện có, chỉ điều động bố trí lực lượng giữa các cấp trong Công an nhân dân. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ từ Bộ đến cơ sở, ngành Công an đã xác định lộ trình, bước đi phù hợp. Đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu.

Công an 63 địa phương đã bố trí tổng số hơn 28.000 Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (đạt 100%), hình thành cơ bản bộ khung của Công an cấp xã và có tổ chức Đảng tương ứng. Những kết quả, hiệu quả của việc bố trí Công an cấp xã chính quy, và cả những khó khăn, thách thức đang đặt ra tại cơ sở luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an theo dõi, nắm bắt  thường xuyên, có dự báo, dự liệu từ trước.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường cho cơ sở, đặc biệt là Công an cấp xã (trước mắt dự kiến sẽ bố trí đủ trung bình mỗi xã từ 3-5 cán bộ Công an xã chính quy, 100% Trưởng Công an xã là Công an chính quy) nhằm đảm bảo đủ lực lượng, phương tiện trang thiết bị, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng bán chuyên trách và các lực lượng tại chỗ khác.

Việc bố trí Công an cấp xã chính quy là xây dựng một cấp Công an với đầy đủ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trang bị  phương tiện nghiệp vụ để thực hiện công tác tham mưu, trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn xã.

"Như vậy, lực lượng Công an trực tiếp gần dân hơn, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ khả năng giải quyết công việc ngay từ cơ sở, nhanh chóng nắm, bắt giải quyết những những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Công an vận động, hướng dẫn, tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia có chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ngay từ  cơ sở. Khi người dân tin tưởng, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, cũng chính là góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững chắc" - Người đứng đầu ngành Công an nhấn mạnh.

Chuyển biến rõ nét

Màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng, những vườn cà phê, điều, sầu riêng, những cánh đồng dưa hấu... đã là hình ảnh gắn liền với vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Thời gian qua, một màu xanh khác là màu áo xanh của lực lượng Công an chính quy được bố trí xuống các địa bàn xã cũng đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân từng buôn xóm, bản làng.

Xã Ia Rvê là một xã biên giới thuộc diện khó khăn nhất của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã có 1.452 hộ với 15 dân tộc nhưng có tới hơn 1.000 hộ trong diện nghèo, chiếm hơn 69% dân số. Kinh tế - xã hội trên địa bàn xã những năm qua có nhiều chuyển biến, nhưng phát triển không đồng đều, an ninh trật tự còn nhiều nguy cơ như: tình trạng di dân tự do khó kiểm soát, tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, tranh chấp đất đai còn diễn ra khá phức tạp.

Khí hậu nơi đây chia hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa khô là thời điểm rất thích hợp để trồng dưa hấu, loại cây đem lại giá trị cao hơn trồng lúa, đã được người dân trồng phổ biến ở đây khoảng hơn 10 năm. Đây cũng một trong những vựa dưa hấu lớn của Đắk Lắk, cũng như trong cả nước. Nhiều người dân từ miền Trung cũng đổ về Đắk Lắk thuê đất trồng dưa hấu.

Mặc dù thu nhập tốt hơn trồng lúa, nhưng người trồng dưa hấu ở khu vực này cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, từ thiếu nước, mất mùa đến những khốn khổ vì bị ép giá và các nhóm đối tượng bảo kê thu phí. Mỗi mùa thu hoạch dưa hấu ở đây lại có nhiều nguy cơ về an ninh trật tự.

Chú thích ảnh
Công an chính quy và công an viên xã Ea M-Dróh, Huyện Cư M'gar, Tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi, tiếp xúc với người dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những người dân trồng dưa phải đối mặt với những đối tượng giang hồ chặn thu tiền của người trồng dưa và thương lái dưới nhiều hình thức như khi các thương lái mua dưa từ trong vườn của người dân thì các đối tượng chặn xe, buộc phải đưa tiền mới được ra. Hoặc khi người dân thu hoạch dưa tập kết thành bãi, các đối tượng vào mua với giá rẻ hơn so với thị trường, sau đó buộc thương lái mua lại với giá cao. Người trồng dưa không bán thì chúng phá hoại. Cũng có trường hợp các đối tượng giang hồ buộc người dân phải đưa tiền cho chúng thì mới cho thương lái vào mua, nếu không sẽ không cho bất cứ ai vào mua.

Trước đây, chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp nhưng tình hình vẫn khá phức tạp. Nhưng từ khi lực lượng Công an xã chính quy được bố trí về địa bàn, bằng những biện pháp nghiệp vụ, công tác, bám nắm địa bàn, nhân khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng; nắm bắt tình hình các đối tượng có nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật... an ninh trật tự mỗi mùa thu hoạch dưa đã chuyển biến rõ nét.

Từ khi chuyển công tác về hơn 1 năm, Trưởng Công an xã Ia Rvê - Đoàn Huy Tưởng đã cùng với lực lượng bán chuyên trách ở đây thực hiện công tác nắm địa bàn, nhân khẩu... qua đó xác định được các đối tượng có liên quan đến hoạt động bảo kê ngoài ở địa bàn, còn nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành khác cứ đến mùa thu hoạch dưa lại lên địa bàn để hoạt động.

Bên cạnh đó, Công an xã chính quy có kế hoạch phối hợp với lực lượng biên phòng, lực lượng dân quân thường trực của xã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã, trên các tuyến biên giới, trên các đường ngang, lối tắt trên địa bàn để kịp thời phát hiện những đối tượng mà đi qua lại trái phép và những đối tượng lạ xuất hiện trên địa bàn.

"Từ đó, các đối tượng đã có sự e sợ. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự từ các vùng khác không xuất hiện trên địa bàn. Thời gian qua đã không còn xảy ra hiện tượng các đối tượng bảo kê, ép giá mỗi khi mùa thu hoạch dưa hấu về. Từ đó, người dân đã yên tâm trồng trọt, sản xuất", Trưởng Công an xã Ia Rvê cho biết.

Chính quyền, người dân yên tâm hơn

Hay với một loại sản vật khác - những hạt cà phê Tây Nguyên đã trở thành thương hiệu trên toàn thế giới, nhưng quá trình trồng trọt, thu hoạch cà phê ngoài đối mặt mất mùa, rớt giá, còn nhiều vấn đề về an ninh trật tự.

Tây Nguyên vào mùa cà phê, người dân tứ xứ đổ về làm thuê hoặc buôn bán, giao thương... thì người nông dân lại nơm nớp lo sợ nạn trộm cắp. Nhiều hộ trồng cà phê phải ngày đêm canh cẩn thận, nhưng tình trạng trộm cắp tại các vườn, rẫy diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều hộ phải thu hái sớm khi cà phê còn xanh, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, cũng như giá thành, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Chú thích ảnh
Thượng úy Dương Quang Thái, Phó trưởng Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai tiếp xúc với ông Ksor Klit, nông dân xã về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Vườn cà phê của gia đình anh Ksor Klit (làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) đầu năm vừa rồi bị kẻ trộm ghé thăm, mặc dù không trộm được cà phê, nhưng kẻ gian đã lấy đi 12 cây lan rừng có giá trị hàng chục triệu đồng.

Mặc dù mới về địa bàn chưa lâu, nhưng qua công tác nắm địa bàn, Thiếu tá Trương Tuấn Quang, Trưởng Công an xã Ia Ka đã phát hiện một số thanh niên thường xuyên chơi bời, tụ tập ở các quán internet, mặc dù không lao động, không có làm việc, nhưng lại có nhiều tiền tiêu xài một cách bất thường. Qua nắm bắt tình hình, anh Trương Tuấn Quang và cán bộ, chiến sỹ Công an xã đã đấu tranh, khai thác và phát hiện, xử lý được đối tượng trộm lan, bán lấy tiền tiêu xài. Qua đây, Công an đã lấy lại được số lan bị mất trộm cho gia đình anh Ksor Klit.

Cũng qua công tác bám nắm địa bàn, Công an xã chính quy đã khám phá, xử lý ra nhiều vụ trộm cà phê, vụ mất trộm xe máy, tài sản khác của người dân trên địa bàn. Từ đó, mỗi mùa cà phê về, người dân đã vơi bớt nỗi lo.

"Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều" là đánh giá mà Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah - ông Nay Kiên nhấn mạnh nhiều lần khi nói về những chuyển biến về an ninh trật tự trên địa bàn từ khi lực lượng Công an xã chính quy được bố trí về cơ sở.

Mặc dù hiện nay, xã mới được bố trí 1 Trưởng Công an xã, 1 Phó và vừa tăng cường 1 Công an viên. Nhưng 3 cán bộ Công an chính quy này cùng với lực lượng bán chuyên được giữ lại đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương cơ sở.

"Nhiều khi chỉ cần nhìn thấy bộ quân phục chính quy thôi, người dân cũng rất yên tâm rồi. Trước đây, Công an xã bán chuyên đã làm được nhiều việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng từ khi Công an chính quy về xã, an ninh trật tự đã chuyển biến rõ rệt. Các đối tượng bất hảo, tội phạm đã e sợ hơn rất nhiều khi nhìn thấy lực lượng chính quy làm việc bài bản. Nhất là khai thác khoáng sản, tài nguyên trên địa bàn là chuyển biến rõ rệt nhất", ông Nay Kiên chia sẻ.

Từ những "sự an tâm" đó, chính quyền và nhân dân địa phương đã bớt lo lắng về an ninh trật tự, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Bài cuối: Chính quy, bài bản, tạo thuận lợi cho người dân

Xuân Tùng (TTXVN)
Công an xã- hạt nhân quan trọng tham gia bảo vệ an ninh trật tự
Công an xã- hạt nhân quan trọng tham gia bảo vệ an ninh trật tự

Hội nghị điển hình tiên tiến lực lượng Công an xã trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở do Bộ Công an tổ chức diễn ra ngày 4/8, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN