Đây là đề xuất được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo: "Giải pháp xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện từ năm 2020 đến nay".
Hội thảo do Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật- tổ chức sáng 8/12, tại Hà Nội.
Bà Trần Thu Giang, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - Đơn vị đầu mối hành chính của Bộ phận thường trực của Tổ công tác cho biết, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác đã tham mưu thực hiện nhiều đợt rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân. Trên cơ sở đó, xây dựng các Báo cáo rà soát văn bản trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, việc xử lý văn bản sau rà soát vẫn chưa thực sự kịp thời, chưa đáp ứng kỳ vọng, một số văn bản còn chậm được xử lý. Một số trường hợp còn có sự đan xen, trùng lắp về phạm vi rà soát dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả. Đáng chú ý, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện rà soát và xử lý kết quả rà soát trong một số trường hợp chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Việc kết nối, sử dụng kết quả rà soát trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản còn có những hạn chế nhất định...
Để nâng cao hiệu quả xử lý văn bản sau rà soát, góp phần hạn chế và khắc phục quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến nhấn mạnh, các cơ quan cần tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời xử lý kết quả sau rà soát.
Bên cạnh đó, chú trọng việc kết nối và sử dụng kết quả của các hoạt động kiểm soát chất lượng văn bản, bao gồm kết quả kiểm tra, rà soát văn bản để nghiên cứu, đánh giá kỹ cùng với các vấn đề liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các các cơ quan trong công tác này; quan tâm đầu tư kinh phí, bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công tác xây dựng pháp luật nói chung và rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát nói riêng.