Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân về những bài học quý giá cách đây 55 năm, cũng như việc nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay.
Thưa Chuẩn đô đốc, ngày 2 và 5/8 đã trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc. Chiến thắng này có ý nghĩa lịch sử như thế nào, thưa ông?
Cách đây vừa tròn 55 năm, ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã dũng cảm, đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc của đế quốc Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái của chúng trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, làm nên truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân, dân miền Bắc. Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định ý chí quyết tâm, dũng cảm, kiên cường, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân. Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ. Thắng lợi này tạo tiền đề cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam, tiến lên đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng trận đầu không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý, ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm đó là gì?
Chiến thắng trận đầu để lại cho chúng ta những bài học quý giá. 55 năm đã trôi qua nhưng những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên biển, với yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng ngày càng nặng nề, việc nghiên cứu vận dụng những bài học kinh nghiệm từ trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam càng hết sức quan trọng. Đặc biệt là: Bài học về xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trọng tâm là giáo dục ý chí quyết tâm “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” kẻ thù xâm lược cho dù chúng mạnh hơn ta gấp nhiều lần; Bài học về không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống; Về phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, làm tốt công tác hiệp đồng chiến đấu; Về nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí trang bị trong chiến đấu; Về phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ thuyền trưởng, chính trị viên trong chiến đấu và nhiều bài học khác...
Trước những diễn biến phức tạp hiện nay trên các vùng biển của nước ta, Hải quân nhân dân Việt Nam cần phải làm gì để cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thưa ông?
Tình hình trên các vùng biển hiện nay khá phức tạp, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh của nước ta. Trong tình hình đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng Quân chủng ngày càng phát triển, thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tập trung lực lượng dự báo và nắm chắc tình hình trên các vùng biển, đảo để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý chính xác, kịp thời các tình huống; thường xuyên tổ chức lực lượng trực chốt giữ, tuần tra trên các vùng biển, đảo, với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, kỷ luật, an toàn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo đảm không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Phải làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng trong Quân chủng có thể tác chiến độc lập, liên tục dài ngày ở vùng biển gần cũng như vùng biển xa thắng lợi. Nâng cao khả năng làm chủ, làm chủ vững chắc vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, nhất là các loại vũ khí mới được trang bị.
Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, nhất là với Hải quân các nước; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân chủng, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng Đảng, thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sỹ Hải quân”.
Quân chủng Hải quân đã triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, ông có thể cho biết những điểm chính và mục đích của chương trình này?
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Chương trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và phát huy vai trò của ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần cùng Hải quân nhân Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Nội dung tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính đó là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển; Bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo; Phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thưa ông, làm thế nào để thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”? Ông có thể cho biết những kết quả bước đầu của chương trình?
Đây là chủ trương lớn của Quân chủng, tiến hành thường xuyên liên tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các phong trào, cuộc vận động khác của Quân chủng và địa phương, vì vậy đã được quán triệt và triển khai rất chặt chẽ. Quân chủng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức phát động và triển khai trước để rút kinh nghiệm chung trong toàn Quân chủng trước khi triển khai đồng loạt. Quân chủng chỉ đạo Bộ Tư lệnh các Vùng Hải quân và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chủ trì phối hợp với 28 tỉnh ven biển xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động, phân công cho các đơn vị trong cụm lực lượng thuộc địa bàn phụ trách nhằm cụ thể hóa 4 nội dung lớn của chương trình.
Chương trình triển khai bước đầu đã đạt những kết quả rất tích cực, tạo được sức lan tỏa cao. Lãnh đạo cùng các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh, thành ven biển đều dành sự đồng thuận và ủng hộ chủ trương, tham gia đồng hành cùng Hải quân. Bà con ngư dân rất phấn khởi trước việc làm thiết thực, cụ thể của Quân chủng. Đến nay, các đơn vị trong Quân chủng đã phối hợp ký kết chương trình hoạt động với 24/28 tỉnh, thành ven biển (dự kiến đến ngày 10/8/2019 sẽ hoàn thành ký kết với 4 tỉnh còn lại). Các đơn vị trong Quân chủng đã vận động, phối hợp ủng hộ gần 1.000 áo phao, 1.500 phao cứu sinh, 3.700 lá cờ Tổ quốc, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho trên 1.000 lượt người, tặng gần 300 tủ thuốc và thuốc trị giá 250 triệu đồng, thăm, tặng quà ngư dân với số tiền 361 triệu đồng, tặng 10 chiếc đài radio, hỗ trợ 4,400 lít dầu, phát 4.650 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức 1500 ngày công làm sạch môi trường biển…
Trên cơ sở kết quả bước đầu, vừa qua, Quân chủng tiếp tục tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với Ban Tuyên giáo, Chi cục Thủy sản của 4 tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) để nắm tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân để tiếp tục tham mưu với lãnh đạo các cấp các biện pháp đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình“Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!