Cụ thể, đối với sự cố đê điều, Hải Dương đang xử lý 1 sự cố sạt mái chân cơ đê phía đồng vị trí k2+750 – k2+806,5 tả Thái Bình ở thành phố Chí Linh; 1 sự cố chống tràn đê tả Mía, Vĩnh Lập K0+00 – K1 +632, 1 sự cố lỗ rò nước đục tại K0+495 đê hữu Gùa, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà.
Đối với hệ thống thủy lợi, Hải Dương đang khẩn trương xử lý 41 sự cố; trong đó, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiều sự cố nhất với 30 sự cố ở huyện Tứ Kỳ, 7 điểm sạt trượt bờ kênh ở huyện Thanh Miện. Lực lượng chức năng cũng đang xử lý 1 sự cố sạt mang cống Tý Mỏ ở thành phố Chí Linh; 3 sự cố chống tràn ở huyện Cẩm Giàng.
Tính đến nay, Hải Dương đã xử lý xong 74 sự cố đê, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê trên địa bàn toàn tỉnh gồm: 8 sự cố ở thành phố Chí Linh; 6 sự cố ở huyện Tứ Kỳ; 19 sự cố ở thị xã Kinh Môn; 4 sự cố ở huyện Kim Thành; 2 sự cố ở huyện Thanh Miện; 2 sự cố ở huyện Nam Sách; 19 sự cố ở huyện Thanh Hà; 14 sự cố ở thành phố Hải Dương. Các sự cố đê đã được xử lý thành công là xử lý rãnh xói, sạt mái cơ đê, lỗ rò, hố xói, chống tràn…
Đối với hệ thống thủy lợi, đến nay, lực lượng chức năng Hải Dương đã xử lý xong 128 sự cố; trong đó, riêng hệ thống Bắc Hưng Hải đã xử lý xong chiếm tới hơn 50%, còn lại chủ yếu là sự cố về cống, chống tràn, sạt trượt, rò rỉ…
Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó chống lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng phải bảo vệ an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều toàn tuyến trên địa bàn tỉnh theo cấp báo động III, không để bị động, bất ngờ; thực hiện phát quang cây, cỏ triền đê để phát hiện sớm các điểm rò nước, mạch đùn, mạch sủi... ; đưa ra phương án xử lý ngay từ những giờ đầu để đảm bảo khắc phục hiệu quả (giảm thời gian, tiết kiệm chi phí...), giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn.
Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý, mới phát hiện, người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu tổ chức thực hiện thường trực, trực ban 24/24 giờ trên đê (phải có danh sách, số điện thoại của người trực, thực hiện phân ca trực cụ thể đối với từng người, từng điểm) để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo kịp thời tình hình.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương xử lý các địa điểm đê xung yếu đang hoặc chưa được xử lý, yêu cầu xử lý hoàn thành ngay trong ngày 12/9.
Theo dõi sát mực nước hệ thống Bắc Hưng Hải (đặc biệt sông Sặt qua địa bàn thành phố Hải Dương) và thủy triều, mực nước sông ngoài để có giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn (đóng mở cống, bơm tiêu nước...) giúp giảm áp lực đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao lãnh đạo các địa phương từ huyện đến xã trực tiếp chủ trì, chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện nhiệm vụ trên; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật…