Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có tổng đàn lợn khoảng trên 31.000 con lợn. Với tinh thần phòng hàng đầu, ngay từ ngày 31/10/2018, huyện đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi và hai kịch bản khi có dịch và khi chưa có dịch. Từ đầu năm 2019 đến nay, Ban chỉ đạo của huyện đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp, tổ chức triển khai 3 hội thảo, tập huấn về các biện pháp phòng dịch, triển khai chăn nuôi an toàn sinh học, hội nghị bàn các biện pháp cấp bách dập dịch. Huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi, lập đội phản ứng nhanh khi xảy ra dịch. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về dịch đến với người dân, các hộ chăn nuôi, giết mổ và vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm từ lợn cũng được địa phương này tập trung hàng đầu.
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hải Dương xuất hiện từ ngày 1/3/2019 tại Kinh Môn và sau đó nhanh chóng lây lan sang các địa phương khác. Huyện Cẩm Giàng với đặc điểm là huyện có nhiều tuyến đường đi qua như quốc lộ 5 và quốc lộ 38, lại có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt thu hút đông lượng du khách đến tham quan nhưng với quyết tâm và nỗ lực của chính quyền và các cơ quan chức năng, đến ngày 29/3, Cẩm Giàng mới xuất hiện dịch.
“Khi trên địa bàn xuất hiện dịch, ngày 29/3, huyện đã tập trung lực lượng với quan điểm xuyên suốt: khẩn trương dập dịch và ngăn dịch lây lan”, ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, lãnh đạo phòng nông nghiệp phát triển nông thôn, cán bộ thú y, trưởng thôn và ban giám sát cộng đồng của thôn cùng với hộ chăn nuôi nhanh chóng tiến hành các bước cần thiết để tiêu hủy lợn bệnh. Cán bộ thú y hướng dẫn địa phương thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành nông nghiệp về tiêu độc khử trùng, tăng cường các biện pháp tiêu diệt những đối tượng môi giới truyền bệnh như chuột bọ, ruồi muỗi…
Ở những trang trại lớn, riêng biệt khi xuất hiện dịch, chỉ tiêu hủy lợn ở những chuồng có dịch và tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại này. Còn với những chuồng trại khác, tiến hành khoanh vùng và cách ly nghiêm ngặt. Đặc biệt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cùng với các địa phương “căng mình” triển khai cấp bách các biện pháp.
Tính đến hết ngày 12/4, Cẩm Giàng đã có 9 xã trong tổng số 19 xã, thị trấn trong huyện có dịch, tiêu hủy khoảng 100 tấn lợn bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Cẩm Giàng, trong suốt 10 ngày qua, liên tục bất kể giờ giấc, ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần, tất cả cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với toàn bộ cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện chia thành 7 mũi, tỏa đi khắp các xã có dịch để “sát cánh” với chính quyền địa phương và người dân bị thiệt hại do dịch. Một mặt vừa giám sát, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật tiêu hủy, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, mặt khác, xác nhận khối lượng tiêu hủy làm căn cứ cho việc hỗ trợ người chăn nuôi về sau.
Cùng với cơ chế của tỉnh hỗ trợ cấp phát thuốc sát trùng, huyện Cẩm Giàng cũng trích ngân sách huyện mua thuốc sát trùng cấp cho các xã phun ở các khu vực trung tâm, đường giao thông, cấp cho các hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chi cục Thú y tỉnh cấp trên 2.000 lít thuốc sát trùng cho toàn huyện. Đồng thời, huyện cũng trích kinh phí để bổ sung thuốc sát trùng cho phòng dịch bệnh, trong đó 400 lít thuốc sát trùng phòng dịch lở mồm long móng và 630 lít thuốc sát trùng cho phòng dịch tả lợn châu Phi. Trung tâm đã chuyển các xã để các hộ phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị vật tư liên quan đến phòng chống dịch”.
Không riêng Cẩm Giàng, hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương đang tiếp tục tập trung các biện pháp nỗ lực kiềm chế dịch. Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, để triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, các địa phương cần huy động tối đa lực lượng chống dịch, không để xảy ra tình huống bị động, lúng túng khi xuất hiện dịch bệnh ở cơ sở. Khi xuất hiện ổ dịch, cần tuân thủ đúng quy định từ việc tiêu hủy đến tiêu độc khử trùng, kiểm tra kiểm soát việc lưu thông vận chuyển, giết mổ lợn.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp Hải Dương cũng thường xuyên kiểm tra các địa bàn xuất hiện dịch, kịp thời chấn chỉnh các khâu tiêu độc khử trùng, kiểm soát buôn bán động vật trên địa bàn, đặc biệt là kiểm tra hoạt động các chốt kiểm dịch. Ông Vũ Việt Anh khẳng định: “Địa bàn nào làm kiểu lơ là, đối phó, ngành nông nghiệp sẽ lập tức có ý kiến trao đổi với lãnh đạo các huyện. Đồng thời, tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản tiếp tục tăng cường phòng chống dịch bệnh ở tỉnh, địa phương”.