Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố bổ sung các chốt kiểm soát cấp huyện, xã nhằm không để lọt người và phương tiện đi về từ vùng có dịch, có nguy cơ cao, mang mầm dịch vào tỉnh.
Các chốt không kiểm tra với phương tiện có giấy nhận diện QR Code do ngành Giao thông Vận tải cấp để vận chuyển hàng hóa. Đối với xe chở thuốc y tế, trang thiết bị y tế, phương tiện chống dịch được lưu thông quá các chốt nhưng phải được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình chống dịch tại nơi giao nhận.
Kể từ 12 giờ ngày 31/7, người ra, vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Realtime-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ.
Sở Giao thông Vận tải Hải Dương xây dựng “luồng xanh” để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện lưu thông hàng hóa và phải tiến hành quản lý chặt lái xe và phương tiện đã được cấp "luồng xanh".
Lực lượng Công an phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, chính quyền các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ xe taxi, xe ghép (xe 100) và các xe chở khách tương tự; yêu cầu lái xe ký cam kết không ra khỏi tỉnh, trừ trường hợp đặc biệt được cấp theo quy định; tăng cường kiểm soát các phương tiện và người đến từ tỉnh ngoài tại các bến thủy nội địa.
Các lái xe taxi, xe ghép (xe 100) phải khai báo việc vận chuyển khách từ ngày 20/7/2021 trở lại đây, trong đó có bao nhiêu trường hợp đi ra tỉnh ngoài hoặc chở khách từ tỉnh ngoài về Hải Dương, lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các trường hợp này.
Các địa phương tạm dừng các hội nghị, đại hội; hạn chế các hoạt động liên quan đến tụ tập đông người, bán hàng, ăn uống, vui chơi, thể thao…; tăng cường kiểm soát các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng. Các xã, phường, khu dân cư lập danh sách toàn bộ những người từ tỉnh ngoài đến Hải Dương và người Hải Dương đi ra tỉnh ngoài và trở về từ ngày 20/7/2021, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Chính quyền các cấp hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động từ vùng có dịch về làm việc, cư trú trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định; quản lý chặt chẽ phòng, chống dịch của các chợ đầu mối nông sản và đưa chợ hoạt động trở lại; tăng cường giám sát công tác phòng dịch, ban hành quy chế hoạt động, phương án phòng dịch tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chỉ đạo các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, Tổ an toàn COVID nghiêm túc thực hiện chế độ phối hợp, thông tin, báo cáo liên quan đến người từ tỉnh ngoài, người ra tỉnh ngoài quay lại địa phương, vào các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng phương án, quy trình, kịch bản đối với việc lấy mẫu xét nghiệm cho thôn, khu dân cư và toàn bộ xã theo tinh thần “5 rõ" (là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm) nhằm đáp ứng được yêu cầu thần tốc sàng lọc, truy vết, dập dịch; tổ chức tập huấn quy trình lấy mẫu cho các địa phương; xây dựng kế hoạch huy động các lực lượng y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, đội ngũ giáo viên… (có đủ điều kiện); tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho lực lượng này.
Khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, yêu cầu thần tốc truy vết, phối hợp khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, toàn bộ dân cư trong khu vực phong tỏa. Ngành y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các cấp độ; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch theo các cấp độ. Ưu tiên cho xét nghiệm và điều trị; sớm hoàn thiện labo xét nghiệm mới để nâng cao năng lực xét nghiệm.
Đối với các chuyên gia, người lao động từ vùng có dịch về Hải Dương làm việc, các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ theo phương án "3 tại chỗ" và “một cung đường hai điểm đến”. Doanh nghiệp có chuyên gia, người lao động từ vùng có dịch về phải có kế hoạch chi tiết đảm bảo phòng, chống dịch gửi UBND cấp huyện xem xét, chấp thuận trước khi đón người về Hải Dương. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì yêu cầu dừng hoạt động.
Các doanh nghiệp phải chủ động xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp và không dưới 20% người lao động có nguy cơ cao. Tần suất xét nghiệm là 5 đến 7 ngày/lần và gửi báo cáo về các cơ quan chức năng….
Từ ngày 27/4 đến nay, Hải Dương ghi nhận 77 trường hợp mắc COVID-19; hiện có 23 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương; 54 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện. Toàn tỉnh có 8.946 trường hợp đang phải cách ly; trong đó 1.533 trường hợp cách ly tập trung; 7.366 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú...