Ngày 15/2, UBND thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tại đơn vị do người đứng đầu làm Trưởng ban.
Theo Quyết định 699/QĐ - UBND của UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý. Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội còn có 1 Ủy viên thường trực kiêm Tổ trưởng tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, cùng 11 Ủy viên.
Các thành viên của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố giao cho Văn phòng UBND thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.
Bước đầu, để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, Hà Nội sẽ từng bước hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội với 8 Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý dịch vụ công; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.
Trong năm 2019, thành phố tập trung triển khai một số Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng... Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh; duy trì, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi làm nền tảng triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung gồm dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Năm 2019, Hà Nội cần bứt phát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Thành phố đặt những mục tiêu cụ thể như: 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND thành phố và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); 80% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Hiện thành phố Hà Nội đã hoàn thành chuyển đổi các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống cũ (trên hệ thống eSAMs và Cổng dịch vụ công tại địa chỉ https://egov.hanoi.gov.vn) sang Cổng dịch vụ công của thành phố tại địa chỉ https://dichvucong.hanoi.gov.vn, kết nối hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố.