Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất cả nước. Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. TP Hồ Chí Minh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Mỹ Lộc) và 76 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập, sắp xếp. Trong đó huyện Mỹ Lộc có 4 đơn vị, huyện Vụ Bản có 4 đơn vị, huyện Ý Yên có 5 đơn vị, huyện Nam Trực có 4 đơn vị, huyện Trực Ninh có 8 đơn vị, huyện Xuân Trường có 12 đơn vị, huyện Giao Thủy có 4 đơn vị, huyện Nghĩa Hưng có 3 đơn vị, huyện Hải Hậu có 13 đơn vị và thành phố Nam Định có 19 đơn vị.
Giai đoạn 2026-2030, Nam Định sẽ tiếp tục sắp xếp 1 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Xuân Trường) và 94 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, huyện Mỹ Lộc có 6 đơn vị; huyện Vụ Bản có 5 đơn vị, huyện Ý Yên có 21 đơn vị, huyện Nam Trực có 7 đơn vị, huyện Trực Ninh có 8 đơn vị, huyện Xuân Trường có 4 đơn vị, huyện Giao Thủy có 12 đơn vị, huyện Nghĩa Hưng có 12 đơn vị, huyện Hải Hậu có 17 đơn vị và thành phố Nam Định có 2 đơn vị.
Qua rà soát bước đầu, giai đoạn 2023-2025, Khánh Hòa có 19 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Khánh Hòa sẽ tiến hành rà soát,sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã tuy không thuộc diện phải sắp xếp nhưng sẽ đề xuất thực hiện để phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.
Theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Do vậy, ngoài việc thực hiện sắp xếp theo quy định, tỉnh sẽ triển khai đồng thời việc nâng cấp đô thị, thành lập các đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nâng cấp các đơn vị hành chính nông thôn, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để từng bước đáp ứng các tiêu chí đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương có 23 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo tiêu chuẩn đơn vị hành chính theo quy định, nhưng có 17 đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sắp xếp. Quảng Bình không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Qua rà soát, Thanh Hóa có 269 xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo tiêu chuẩn; trong đó giai đoạn 2023-2025 có 148 đơn vị; giai đoạn 2025-2030 có 121 đơn vị.
Tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích.
Cũng trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Tĩnh có 43 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp gồm: 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 42 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Lào Cai có 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp gồm xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà thuộc huyện Bắc Hà.
Tỉnh Hòa Bình có 1 huyện có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; có 13 xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định thuộc diện sắp xếp.
Sắp xếp huyện, xã phải đồng thời với công tác quy hoạch
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra ngày 31/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn này được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn. Về thuận lợi, lần sắp xếp này được triển khai khi có nhiều kinh nghiệm tích lũy được từ giai đoạn trước. Các địa phương cơ bản đã xác định rõ số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp.
Tuy nhiên, giai đoạn này có một số khó khăn, số lượng phải sắp xếp nhiều hơn giai đoạn trước. Cả nước có 58 tỉnh, thành phố phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chỉ 5 địa phương không thuộc diện phải sắp xếp. Số phải sắp xếp là 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã.
Mặt khác, lần này việc sắp xếp đô thị còn có thể nhập một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị, vì vậy phải được làm đồng thời với công tác quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian không có nhiều, từ ngày 1/8, các địa phương bắt đầu triển khai cụ thể, kế hoạch phải xong trước 30/9/2024, tức là có 13 tháng để thực hiện. Điều này đòi hỏi từng địa phương phải ban hành kế hoạch, có lộ trình với từng việc cụ thể thì mới triển khai có kết quả. Việc sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã không chỉ là việc riêng của hệ thống hành chính nhà nước mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cả Trung ương và địa phương. Ở địa phương lần này sắp xếp bao gồm cả cấp ủy, cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cơ quan Trung ương có cơ sở ngành dọc đóng tại địa phương, tòa án, viện kiểm sát…
Nhấn mạnh việc sắp xếp giai đoạn 2023-2025 cần chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau, tránh tình trạng làm thiếu đồng bộ, cầm chừng, dồn việc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ sắp xếp 169 đơn vị hành chính cấp huyện, 2.884 đơn vị hành chính cấp xã.