“Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội tới là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bảo đảm an sinh xã hội
Đánh giá sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố nhận định đã đạt kết quả bước đầu tích cực. Các cơ quan trung ương, dư luận xã hội và chuyên gia đều đánh giá, việc thành phố quyết định thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 24/7/2021 là đúng và trúng.
Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp, nguy cơ cao. Vì ngoài số dân đông, Hà Nội là đầu mối giao thông quốc gia, vẫn có giao thương, giao lưu về con người, hàng hóa, chưa thể “đóng băng” như các địa phương khác. Các tỉnh xung quanh Hà Nội vẫn còn đang có dịch. Trong khi đó, các ca bệnh nằm rải rác ở cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có nhiều địa phương có số ca mắc lớn.
“Dịch bệnh đã tấn công vào những nơi rất phức tạp như khu công nghiệp, chợ truyền thống, bệnh viện, siêu thị, khu dân cư đông như ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Chưa kể, trên địa bàn còn nhiều ca chưa rõ nguồn lây. Do đó, nếu dừng giãn cách xã hội sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, kết quả thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua khó bảo đảm”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, với tinh thần luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị ở mức cao hơn so với dự báo, Hà Nội vừa đưa vào vận hành 1 bệnh viện, trung tâm thu dung tại Đền Lừ, quận Hoàng Mai, với quy mô 1.000 giường để điều trị cho những người mắc COVID-19 thể nhẹ và tới đây sẽ đưa vào hoạt động thêm khoảng 5.000 giường nữa. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo trong thời gian ngắn nhất phải chuẩn bị sẵn sàng 30.000 giường để thu dung trường hợp F0 thể nhẹ. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có đề án, phân bổ thêm 2.500 giường bệnh cho Hà Nội, phối hợp với Thành phố thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai với quy mô 500 giường.
Thành phố cũng chỉ đạo mỗi huyện, thị xã chuẩn bị từ 3.000-5.000 chỗ cách ly cho trường hợp F1. Song song với việc tăng cường năng lực xét nghiệm, tiến hành mua sắm trang thiết bị dự phòng, thành phố cũng đã làm việc với các cơ sở y tế trung ương, tư nhân để phối hợp trong xét nghiệm cũng như điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 khi cần.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, thành phố cũng đang ưu tiên các nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Không chỉ tiết kiệm chi thường xuyên, thành phố đã quyết định tạm dừng triển khai mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố, trừ các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài 12 đối tượng được quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-TTg ngày 1/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố chỉ đạo rà soát, bổ sung các đối tượng gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng được thực hiện trong thời gian tới.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân
Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong hơn 10 ngày qua, Hà Nội đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách hàng chục ca F0 trong cộng đồng, cách ly triệt để các trường hợp liên quan, kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch còn rất phức tạp, nhiều ca F0 còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nguy cơ dịch bùng phát rộng vẫn còn tồn tại, Sở Y tế kiến nghị thành phố quyết định kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Theo ông Vũ Cao Cương, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà và thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND; tận dụng những ngày giãn cách để truy vết, bóc tách F0; tiếp tục rà soát các trường hợp ho, sốt và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng trên diện rộng tại các nơi có nguy cơ cao; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine theo thư tự ưu tiên. Hiện thành phố đã bố trí 715 điểm tiêm chủng và những điểm lưu động tại các nơi rộng rãi để đảm bảo giãn cách và phòng dịch. Sở Y tế cũng siết chặt công tác an toàn trong việc khám chữa bệnh, kiểm soát chặt mọi tuyến đường vào thành phố và tại các chốt kiểm soát ở địa phương.
Đánh giá tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tap, khó lường trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố tiếp tục cho thực hiện giãn cách xã hội thêm để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đối với công tác tiêm vaccine, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 2.220.384 liều vaccine COVID-19 và đã tiêm được 1.050.620 mũi cho người dân, chiếm hơn 10% dân số toàn thành phố. Sở Y tế đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân khi tiếp nhận được nguồn vaccine phân bổ từ Trung ương, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Dự trữ hàng hóa gấp 3 lần
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, về việc bảo đảm cung cấp hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo các hệ thống phân phối để bảo đảm nguồn cung hàng hóa với mức dự trữ gấp 3 lần so với các tháng bình thường, tổng giá trị 194.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp cũng tăng dự trữ tại kho của siêu thị, kho của khu trung tâm, kho của nhà sản xuất để bảo đảm nguồn cung.
Thành phố đã ban hành thường xuyên các văn bản để tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc ở thời gian đầu tiên thực hiện Chỉ thị liên quan cấp luồng xanh bị chậm dẫn đến vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ.
“Sở cũng thường xuyên nắm bắt giá cả thị trường, điều phối nguồn hàng phục vụ người dân, đến nay hàng hóa đáp ứng đủ yêu cầu của người dân, chưa có hiện tượng thiếu hàng, chưa có người dân không mua được hàng hóa để phục vụ cuộc sống; khi các địa phương phát hành phiếu đi chợ, người dân thực hiện nghiêm túc”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Sở Công thương đang trình UBND thành phố kế hoạch bảo đảm nguồn cung và phương án điều phối hàng hóa cho người dân khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp để các sở, ngành chủ động phối hợp trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.
Liên quan đến việc một số chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, khi có hiện tượng này, Sở đã tiếp tục tổ chức bảo đảm cung cầu hàng hóa cho người dân, bán hàng lưu động, bình ổn hàng hóa; phối hợp địa phương bố trí điểm bán phù hợp, đa dạng hóa loại hình phục vụ.
Về bán hàng qua thương mại điện tử, người giao hàng vận chuyển đã được Sở tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải để cấp mã được phép vận chuyển, các đối tượng này hoạt động bình thường, bảo đảm thêm nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân.
Đến nay đã có khoảng 800 điểm mở bán hàng phục vụ hàng thiết yếu, Sở đang chuẩn bị mở thêm 472 điểm nữa, ngoài ra là các điểm bán của hội phụ nữ, thanh niên phối hợp với các hợp tác xã để mở thêm địa bàn.
Để chủ động nguồn cung, thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu lại vùng trồng, các loại rau ăn lá, rau ngắn hạn để phục vụ ngay nhu cầu tự cung tự cấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở dự phòng thêm một số tỉnh ngoài các tỉnh phía Bắc như tại miền Trung, Tây Nguyên sẵn sàng thay thế nguồn cung nếu các tỉnh phía Bắc đang cung ứng cho Hà Nội có dịch.
Thành phố đang chỉ đạo Sở Công thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thể giãn cách các chợ đầu mối, cụ thể đang dự kiến một số điểm theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là bến xe Hà Đông, Khu công nghiệp Nam Hà Nội, khu tái định cư Tân Dược (huyện Sóc Sơn), điểm tại 489 Hoàng Quốc Việt và địa điểm tại Gia Lâm, bảo đảm thông thoáng tại cửa ngõ, để hàng hóa từ các tỉnh không vào sâu trong nội thành. Thành phố sẽ triển khai đồng bộ để bảo đảm hiệu quả và quan trọng là bảo đảm nguồn cung hàng hóa trên địa bàn.
Kêu gọi người dân tự nguyện, tự giác phòng, chống dịch
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, bên cạnh kết quả tích cực, chính quyền cơ sở một số nơi còn lúng túng, chưa quyết liệt, nhất là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số cá nhân, tổ chức, cơ quan chưa chấp hành nghiêm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong 15 ngày thực hiện giãn cách sắp tới.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, xác định cuộc chiến phòng, chống dịch còn dài, thành phố Hà Nội đã phân công lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nhằm giảm tải cho các lực lượng tuyến đầu để có thể bảo đảm hoạt động trong thời gian dài, nhất là y tế, lực lượng vũ trang, Công an.
“Xuyên suốt công tác phòng, chống dịch, thành phố luôn xác định, sự đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mang tính quyết định thành công hay không thành công. Chính vì thế, từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến cả Thành ủy đều thống nhất phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, thực chất hơn, sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch; trong đó tập trung động viên, khích lệ, đề cao và phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở; vai trò của người dân, tự nguyện, tự giác tham gia công tác phòng, chống dịch”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.