Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Càng phát triển, hội nhập thì càng phải ưu tiên hàng đầu việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống thể chế. Do đó, vai trò của Sở Tư pháp là rất lớn, nhất là tham mưu cho thành phố trong việc ban hành văn bản quy phạm tháp luật, theo dõi thực thi, phổ biến pháp luật, công tác hòa giải và các nhiệm vụ khác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý Sở Tư pháp cần tiếp tục nỗ lực và coi trọng công tác cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải đi vào chi tiết, cụ thể như chọn lĩnh vực làm tốt nhất để cải cách, chọn cán bộ có kỹ năng tốt nhất làm nhiệm vụ tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...
Đánh giá cao việc Sở đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục duy trì sự đoàn kết, chia sẻ, đồng thuận để tiếp tục tham mưu tốt cho thành phố; xây dựng văn hóa ứng xử trong thực thi pháp luật, thượng tôn pháp luật. Đồng thời, với nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cần làm tốt công tác quản lý thường xuyên, đề xuất, tham mưu những vấn đề thành phố còn vướng mắc về pháp lý.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu với UBND thành phố ban hành kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp trên địa bàn và các kế hoạch trên từng lĩnh vực công tác. Sở tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm túc triển khai thực hiện hai quy tắc ứng xử của thành phố trong cán bộ, công chức tư pháp các cấp. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, đóng góp tích cực vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Cụ thể, Sở Tư pháp đã thẩm định, góp ý 383 văn bản, trong đó có 99 văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, nhằm đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, khả thi. Ngoài ra, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức; lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường các biện pháp quản lý, trợ giúp pháp lý tích cực hướng về cơ sở. Đồng thời, Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp và đưa vào hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp toàn thành phố.
Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời nắm bắt những vướng mắc để có tháo gỡ. Năm 2018, Sở Tư pháp đã tổ chức thanh tra theo kế hoạch đối với 14 tổ chức, thanh tra đột xuất 10 tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, Sở Tư pháp đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 tổ chức và 18 cá nhân, với tổng mức tiền phạt trên 190 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng với 1 đơn vị; qua đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực chưa cao; việc tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn dàn trải, hình thức; một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp chưa hợp lý, không đủ các yếu tố cấu thành thủ tục hành chính, cùng một việc bị chia nhỏ thành nhiều thủ tục hành chính...
Thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho thành phố và các sở, ngành, địa phương; triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện "Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022"; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân trong thực thi pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô năm 2019.