Theo các đại biểu, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, quá trình triển khai Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có những tồn tại, bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành là phù hợp với tình hình hiện nay.
Góp ý một số điểm trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Tiến sĩ Trần Thảo, Trưởng Khoa Cảnh sát giao thông, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, Điểm a, khoản 4, Điều 43 quy định thu hồi giấy phép lái xe trong trường hợp người được cấp phép không đủ điều kiện sức khỏe theo quy định đối với hạng giấy phép điều khiển, Ban soạn thảo có thể cân nhắc quy định theo hướng: Nếu đủ điều kiện sức khỏe của hạng giấy phép lái xe khác có thể làm thủ tục để chuyển sang hạng phù hợp, tạo thuận lợi cho người điều khiển phương tiện. Còn tại Điều 49 về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nên điều chỉnh thành“…trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định, khi kiểm tra không cần xuất trình bản giấy các loại giấy tờ đó”.
Với Luật Đường bộ, Tiến sĩ Trần Thảo đề xuất, Điều 5 về chính sách phát triển giao thông đường bộ cần quy định bổ sung một quy định mở, có tính nguyên tắc là tùy thuộc vào từng dự án giao thông đường bộ cụ thể, nhất là các dự án đường bộ cao tốc, Chính phủ có thể trình Quốc hội quyết định cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc hoặc tạo cơ chế đột phá thực hiện nhanh dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước hoặc một vùng kinh tế cụ thể. Điều 6 về chính sách phát triển giao thông đường bộ cần bổ sung nội dung tăng cường hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ: nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường bộ; khuyến khích nhập khẩu các phương tiện, thiết bị, nguyên vật liệu giao thông đường bộ.
Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, bà Võ Thị Giang, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 6 (hoạt động vận tải đường bộ), Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh quy định về các loại hình kinh doanh vận tải hành khách trong Luật.
Về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đề xuất nghiên cứu và bổ sung nội dung “không được dừng, đỗ xe tại lối đi trong ngõ, hẻm hoặc trước lối ra vào ngõ, hẻm” tại khoản 4, Điều 17. Điều này cần bổ sung quy định căn cứ vào đặc điểm tình hình an ninh trật tự của từng địa phương, UBND cấp tỉnh có quy định riêng về việc dừng, đỗ phương tiện tại các tuyến đường đặc biệt. TP Hồ Chí Minh có tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện…là tuyến đường có lượng khách tham quan lớn, chủ yếu là người đi bộ. Nếu áp dụng quy định như trong dự thảo Luật cho phép các phương tiện dừng, đỗ trên các tuyến đường này sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, hiện nay một số người tham gia giao thông (chủ yếu là trẻ em, người chưa thành niên) sử dụng xe điện hai bánh tự cân bằng, xe trượt Scooter... để tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề cập, phân loại và chưa điều chỉnh đối với các đối tượng này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đưa ra nhiều nội dung mới như việc thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bổ sung một số thủ tục trong quản lý phương tiện, an toàn giao thông đường bộ… Các quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, tổ chức, vì thế các cơ quan chức năng cần rà soát, xác định các nội dung, quy định cần có lộ trình và chuyển tiếp thực hiện để bổ sung điều khoản chuyển tiếp vào dự thảo Luật.