Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều, quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đa số ý kiến đại biểu thống nhất giữ nguyên tên gọi như dự thảo Luật là Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tán thành với đề nghị đổi tên Luật thành Luật Bảo vệ bí mật quốc gia, bởi ngoài thông tin của các cơ quan Nhà nước, Luật này còn điều chỉnh đối với cả thông tin của các tổ chức trong hệ thống chính trị, một số tổ chức kinh tế và của một số cá nhân cần được bảo vệ.
Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật Nhà nước để quản lý chặt chẽ, hạn chế lộ, mất bí mật Nhà nước trong quá trình sử dụng bí mật Nhà nước; kịp thời xử lý và khắc phục hậu quả đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để lộ, mất bí mật Nhà nước. Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước, bởi đây là một trong những hình thức chủ yếu để lộ, lọt bí mật Nhà nước.
Theo Thượng úy Nguyễn Hoàng Phương - Công an tỉnh Vĩnh Long, về Nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước (Điều 30), dự thảo Luật cần bổ sung thêm “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước” để thực hiện đồng bộ, thống nhất. Điều 11 về Ban hành Danh mục bí mật Nhà nước cần bổ sung quy định liên quan đến địa phương (Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), bởi việc ban hành văn bản bí mật Nhà nước của chủ thể này thực hiện như thế nào, căn cứ vào danh mục nào chưa được quy định trong dự thảo Luật, trong khi đây lại là chủ thể ban hành nhiều văn bản của địa phương.
Về thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước (Điều 21), đại biểu đề nghị điều chỉnh thời hạn đối với bí mật Nhà nước ở mức tuyệt mật là 20 năm, tối mật là 10 năm, mật là 5 năm và có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết. Riêng đối với những nội dung mang tính vụ việc, chuyên ngành có liên quan đến bí mật Nhà nước nên giao cho người đứng đầu cơ quan soạn thảo quy định thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước phù hợp.
Bên cạnh đó, Điều 22 về Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước chưa quy định số lần gia hạn, chưa quy định trường hợp bảo quản tài liệu “vĩnh viễn” hoặc giao cho cơ quan nào hướng dẫn thực hiện vấn đề này, do đó dự thảo Luật cần quy định giao cho Chính phủ hoặc Bộ Công an quy định chi tiết để hướng dẫn.
* Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, cùng ngày (3/8), Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị góp ý kiến dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 34 điều. Việc ban hành Luật sẽ góp phần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành đã tập trung góp ý xoay quanh các nội dung về: phân loại bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý nhà nước và trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước…
Góp ý về danh mục bí mật nhà nước được quy định tại Điều 10, nhiều đại biểu cho rằng Luật cần xem xét bỏ quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập danh mục bí mật nhà nước. Nếu để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập sẽ không bao quát hết được các lĩnh vực và khi đó 63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục khác nhau có thể dẫn tới thiếu thống nhất trong ban hành và thực hiện.
Luật nên quy định thực hiện lập danh mục theo ngành dọc, thống nhất từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Đối với danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh nên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ Mục 4, Chương III vì cho rằng, các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27 và 28 dự thảo Luật không có nội dung cụ thể, chỉ nêu tên các biện pháp và dẫn chiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Mặt khác, ngoài các biện pháp được quy định trong dự thảo Luật, trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước còn phải sử dụng nhiều biện pháp khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức.
Tại Điều 12, quy định về sao, chụp bí mật nhà nước, các đại biểu đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ việc sao chụp, tài liệu có độ mật, tránh bị lộ, mất bí mật nhà nước trong hoạt động sao, chụp. Đồng thời, các đại biểu cho rằng nên quy định rõ trách nhiệm của cá nhân khi làm lộ, mất bí mật nhà nước trong quá trình sao, chụp và trách nhiệm báo cáo khi phát hiện việc sao chép, chụp bí mật nhà nước không đúng quy định.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tổng hợp và trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.