Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”. Ảnh: TTXVN phát |
Theo dự thảo, Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo.
Về mục tiêu cụ thể, Dự thảo Đề án hướng tới, đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc thù của lĩnh vực giáo dục, đào tạo; phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường và hằng năm được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện.
100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên hàng năm được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng, liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau.
Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Đề án xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong tất cả các trường học, với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh...).
Bộ quy tắc phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi và các cấp học; bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được sự thân thiện - tích cực, tự trọng - tôn trọng, trung thực - trách nhiệm phù hợp với từng cấp học, bậc học, trình độ đào tạo, vùng miền.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.