Hưởng ứng tích cực, rộng khắp
Đợt lấy ý kiến nhân dân này chính là dịp quan trọng để đông đảo người dân, các đơn vị, tổ chức, ban, ngành tiếp tục tìm hiểu, góp ý, gợi mở với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần xây dựng, cụ thể, thiết thực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân. Yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hóa của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.
Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước. Nhiều cơ quan báo chí đã mở chuyên mục để cho người dân góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa 13/3 đã có gần 8.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn).
Nội dung góp ý tập trung vào: Chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất... Bên cạnh đó, có 62 ý kiến của tổ chức, công dân qua Văn thư Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên hệ thống hồ sơ công việc của Bộ.
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Từ giữa tháng 2 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết, qua tổng hợp nội dung tại các hội nghị, hội thảo, phần lớn ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy định chung; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Đóng góp sâu sắc, toàn diện, có giá trị cao
Đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm lợi ích, giá trị phát triển hài hòa trong từng dự án, với người dân, giữa các cộng đồng dân cư, khu vực, vùng miền.
Về việc thu hồi diện tích đất đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật bị lấn chiếm, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư không đúng quy định, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum kiến nghị, diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý phải tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính và cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện. Do đó, cần quy định ưu tiên bố trí kinh phí đo đạc đối với đất nông, lâm trường nhằm giải quyết triệt để việc lấn chiếm. Ông Nguyễn Ngọc Sâm đề nghị bổ sung thêm quy hoạch về quy định hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ này ổn định đời sống, sản xuất; cho phép người dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Với yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển của đất nước, tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quy định thu hồi, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất…
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ khi thu hồi, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu đề nghị cần thống nhất đền bù thỏa đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định, đảm bảo để người dân không bị thua thiệt. Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận với người dân về giải phóng mặt bằng.
Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hòa (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nước ta còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng đất đai trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Chương 4: Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung, hoàn thiện. Lập quy hoạch sử dụng đất phải dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn và dữ liệu chuẩn xác; theo đúng quy trình, tiến độ; khi đã được phê duyệt thì phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; không được điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, trừ trường hợp do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc do tác động nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu...
Trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong lĩnh vực đất đai, nhiều chính sách đã tạo thuận lợi trong việc sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách, pháp luật đất đai hiện hành như từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Ông Tài Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Việt - Anh (Việt kiều tại Mỹ) cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 theo thời gian đến nay đã bộc lộ những điểm bất cập, do đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải minh bạch rõ ràng để các đối tượng thực hiện và người thực thi công vụ có khả năng xử lý công việc tốt hơn. Nhiều Việt kiều có nguyện vọng mua nhà ở quê hương, nếu được tạo điều kiện thuận lợi kiều bào sẽ về nước đầu tư nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án luật rất quan trọng này. Những ý kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện và có giá trị cao.
Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.