60 năm quan hệ Việt Nam - Lào:

Góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ 'nguồn' cho nước bạn

Hơn 14 năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn (tỉnh Quảng Trị) đã đào tạo lý luận chính trị cho nhiều cán bộ “nguồn” của 2 tỉnh Savannakhet và Salavan, nước bạn Lào.

Chú thích ảnh
Một buổi học của lớp Trung cấp chính trị của các học viên Lào thuộc 2 tỉnh Savannakhet và Salavan tại trường Chính trị Lê Duẩn. 

Từ những lớp học này, nhiều cán bộ được bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực quản lý tốt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của nước bạn Lào, đồng thời góp phần vun đắp mối quan hệ giữa Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet, Salavan nói riêng và tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết, đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng sắt son, bền chặt.

Để có thể hiểu rõ hơn bài giảng trên lớp, sau buổi học, anh Bua Khăm Keomixay (39 tuổi), giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Savanakhet cùng bạn của mình gặp gỡ, trao đổi với giảng viên một số nội dung trong giáo trình ngày hôm đó. Để hỗ trợ học viên, đặc biệt là những cán bộ nước bạn đang tham gia lớp học lý luận chính trị, các giảng viên của trường luôn tận tình chỉ dẫn, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc. Nhờ vậy, quá trình học tập Trung cấp chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn của Bua Khăm cùng những học viên khác diễn ra thuận lợi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Bua Khăm Keomixay cho biết, anh có mặt tại Quảng Trị từ tháng 3/2022 để học Tiếng Việt, đến tháng 6/2022 bắt đầu học Trung cấp lý luận chính trị. Quá trình học tập rất thuận lợi nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà trường cũng như tỉnh Quảng Trị. Khó khăn lớn nhất trong quá trình học tập tại trường là bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ nhiệt tình của các giảng viên, Ban Giám hiệu nhà trường bố trí thông dịch viên cũng như nội dung bài giảng dễ hiểu nên các học viên được học tập trong môi trường thuận lợi, thân thiện. Các học viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất từ học tập, ăn, ở, sinh hoạt. Tài liệu dễ hiểu, sinh động, không khô khan, cứng nhắc. Các giảng viên luôn tận tình giúp đỡ mỗi khi học viên cần.

Chú thích ảnh
Anh Bua Khăm Keomixay (39 tuổi), Giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Savanakhet (Lào) ôn bài tại phòng ở kí túc xá của trường Chính trị Lê Duẩn. 

Thực hiện chủ trương của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về đào tạo lý luận chính trị cho các tỉnh nước bạn Lào dọc biên giới, từ tháng 7/2008, Trường Chính trị Lê Duẩn mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (nay là Trung cấp lý luận chính trị) đầu tiên cho cán bộ 2 tỉnh Savannakhet và Salavan. Tham gia lớp học có 30 học viên là cán bộ đương chức, dự nguồn ở vị trí cao hơn trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể của 2 tỉnh nước bạn.

Đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã mở 11 khóa đào tạo với 480 học viên. Đây là những cán bộ đang công tác và dự nguồn của 2 tỉnh Savannakhet và Salavan. Để hỗ trợ các học viên tham gia học tập tại trường, tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi nhất, trong đó các chế độ của học viên được giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Trường luôn ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ cho học viên. Trung bình tỉnh Quảng Trị trích ngân sách hơn 2,5 tỷ đồng/khóa đào tạo để giải quyết chế độ, chính sách cho học viên người Lào tham gia học tập.

Anh Kong Keo Xaychamphone (41 tuổi), đang công tác tại Sở Giáo dục tỉnh Savannakhet chia sẻ, cán bộ cử đi học tại trường đều được bố trí phòng ở với đầy đủ vật dụng cần thiết. Nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ gắn kết tình cảm giữa các học viên người Lào và học viên khác của trường. Anh thấy rất vui và cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện tốt nhất cho học viên được học tập tại đây. Anh tin rằng, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn bền chặt và ngày càng phát triển.

Chú thích ảnh
Các học viên Lào được hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày tại trường Chính trị Lê Duẩn. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó, Trường Chính trị Lê Duẩn luôn chú trọng đến chất lượng và đổi mới phương pháp giảng dạy. Trường tạo điều kiện cho học viên tự nghiên cứu thông qua các giáo án đã được dịch thuật cũng như tự liên hệ thực tế, qua đó góp phần nâng cao chất lượng quá trình đào tạo.

Thầy Dương Hương Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn của 2 tỉnh Savannakhet và Salavan, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt là các vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo cũng như bố trí kinh phí cho hoạt động giảng dạy, học tập và sinh hoạt của học viên Lào. Trong quá trình đào tạo, qua nhiều kênh đánh giá, đội ngũ cán bộ được học tập tại Trường Chính trị Lê Duẩn đã phát huy vai trò, năng lực của mình khi trở về nước công tác.

Thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đảm bảo sinh hoạt ăn, ở, tổ chức giao lưu giữa các học viên Lào với học viên trong nhà trường. Đây là một trong những hoạt động gắn kết, thể hiện tình cảm sâu nặng, gắn bó giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan; đồng thời, góp phần tích cực trong việc xây dựng, vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Lào…

Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)
60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Phái đoàn hai nước tại Geneva giao lưu hữu nghị
60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Phái đoàn hai nước tại Geneva giao lưu hữu nghị

Tối 16/8, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức buổi giao lưu hữu nghị truyền thống với Phái đoàn thường trực CHDCND Lào bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN