Thành phố đã và đang triển khai thi công nhiều dự án quan trọng về giao thông, nhưng tiến độ thực hiện chậm, ảnh hưởng đến tình hình giao thông, môi trường và đời sống người dân.
Nhiều công trình chậm tiến độ
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), hiện Ban đang quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong năm 2020, Ban Giao thông đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch thực hiện đối với các dự án trọng điểm bao gồm hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh 18 dự án đầu tư; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; thi công 59 dự án; trong đó, phấn đấu hoàn thành 32 dự án…
Tính đến ngày 3/6, Ban đang thực hiện hoàn tất thủ tục trình phê duyệt 18 dự án đầu tư; đã khởi công 22/31 gói thầu, dự án; đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các dự án; đã hoàn chỉnh hồ sơ 8 dự án để trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua trong kỳ họp giữa năm 2020.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, qua quá trình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm nói chung và các dự án hạ tầng giao thông nói riêng, tất cả các dự án giao thông sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả phục vụ người dân thành phố. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do chậm đền bù giải phóng mặt bằng, di dời công trình tiện ích; phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị; chậm trễ do chủ đầu tư.
Phân tích cụ thể, ông Lương Minh Phúc cho biết, trong 75 dự án do Ban trực tiếp thi công, có 43 dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng việc bàn giao mặt bằng của địa phương (57%). Trong 43 dự án chậm tiến độ có 8 dự án phải dừng thi công, thậm chí 2 - 3 năm như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long… do việc giải phóng bồi thường không tiến triển. Nếu các dự án không vướng mặt bằng, không bị vướng mắc thì tiến độ sẽ được quản lý tốt.
“Thực tế thời gian chủ đầu tư hoàn thành việc xây lắp rất ngắn, hầu như chỉ cần 6 tháng đến 1 năm đã có thể hoàn thành, nhưng phải chờ mặt bằng 1 - 2 năm. Đơn cử như nút giao Mỹ Thủy, nếu bàn giao mặt bằng thì chỉ cần 12 - 16 tháng có thể hoàn thành nút giao này”, ông Lương Minh Phúc nhìn nhận.
Sau khi giám sát thực tế tại các dự án, ông Cao Thanh Bình cho biết, HĐND Thành phố nhận thấy có những dự án đã cận kề thời gian thực hiện theo kế hoạch, nhưng thực tế không thể kịp tiến độ. Ban Giao thông phải tăng tốc phối hợp với các quận huyện để giải quyết vấn đề mặt bằng. Ngoài ra, cần xem xét lại việc triển khai các dự án cùng khu vực để tránh giải phóng mặt bằng nhiều lần. Đơn cử như dự án nút giao thông Mỹ Thủy, có những hộ dân phải giải tỏa 2 - 3 lần.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố còn nhiều dự án quan trọng đã quy hoạch nhưng chưa triển khai. Ngoại trừ dự án Vành đai 2 còn đang khép kín, các dự án lớn quan trọng như: Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13… gần như chưa triển khai. Với việc giải phóng mặt bằng của 2 - 3 dự án cùng khu vực, sở sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát để chỉ phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng một lần đối với một hộ, giảm ảnh hưởng, tác động đến đời sống người dân.
Cần đánh giá hiệu quả dự án
Theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, các dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông, môi trường, đời sống người dân. Thực tế có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan; trong đó, có việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các đơn vị liên quan. Ban Giao thông đã chủ động phối hợp để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Với dự án Cầu Bưng bị kéo dài thời gian, bà Nguyễn Thị Lệ phân tích, phía quận Bình Tân người dân chấp hành di dời thực hiện dự án. Những phía quận Tân Phú lại vướng 2 doanh nghiệp. Điều này cho thấy đang có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hay như dự án cầu Long Kiểng (Nhà Bè) triển khai đã 20 năm chưa xong, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Qua khảo sát thực địa, Thành phố đề ra nhiều công trình, dự án và tập trung khởi công là một sự tích cực nhưng hiệu quả từng dự án, công trình chưa được đánh giá. Vì vậy, sắp tới khi trình ra HĐND Thành phố, đề nghị từng dự án, công trình phải đánh giá được hiệu quả và đối tượng thụ hưởng, thời gian hoàn tất”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12, vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án vẫn là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, HĐND các quận huyện đã được tái lập, nên tận dụng lợi thế này, dựa vào HĐND quận, huyện để xây dựng giá bồi thường thì sẽ sát thực tế hơn. Cùng với đó, việc giao cho quận, huyện sẽ dễ triển khai hơn. Như Quận 12, có dự án khi thành phố triển khai người dân chưa đồng ý, nhưng khi giao cho quận, địa phương xuống vận động, người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhanh chóng, thậm chí còn hiến thêm một phần đất.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, ông Lương Minh Phúc cho biết, Ban Giao thông sẽ nâng cao trách nhiệm, tính chủ động và phát huy vai trò đầu mối, chủ trì của chủ đầu tư như phân công và xác định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của từng cá nhân phụ trách dự án; tăng cường xây dựng kế hoạch, tiến độ và kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, Ban sẽ làm việc cụ thể với từng quận, huyện để thống nhất tiến độ và phối hợp triển khai trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với từng dự án…
Cũng tại buổi giám sát, Ban Giao thông cũng kiến nghị HĐND Thành phố ủng hộ chủ trương nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và cam kết tiến độ cụ thể bàn giao mặt bằng phục vụ thi công cho chủ đầu tư; tiến độ giải ngân phải được kiểm điểm song song với tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và duy trì sự giám sát của HĐND Thành phố.