Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Theo đó, đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương… Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Năm 2021 - năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng hoàn thiện khung pháp lý phục vụ triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, triển khai có hiệu quả các biện pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia
Nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhiều văn bản liên quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành... Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số.
Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã được xây dựng và vận hành có hiệu quả, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp... Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu quốc gia đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai...
Hòa trong xu thế chung xây dựng Chính phủ số, xã hội số, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược của ngành. Năm 2021, cơ quan này đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử); liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đến nay, đã thực hiện xác thực thông tin của gần 10,3 triệu công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nghị định số 43 quy định Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu này gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị định, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ngành Bảo hiểm Xã hội đã chủ động thực hiện cung cấp kịp thời các thông tin này để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm; danh sách tiêm chủng vaccine; xác định thông tin bệnh nền; theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0, khoanh vùng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động... để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Trục liên thông văn bản quốc gia hiện đã kết nối, liên thông phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử với 94/94 bộ, ngành, địa phương (100%) và Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam). Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay, Hệ thống có hơn 7,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai hình thức họp trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) thời gian qua đã được vận hành có hiệu quả. Ghi nhận từ Văn phòng Chính phủ cho thấy, năm 2021, Hệ thống đã phục vụ 17 phiên họp Chính phủ và xử lý 324 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tính từ khi triển khai đến nay, Hệ thống đã phục vụ 44 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 960 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế 350 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, thống kê các thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để tăng cường triển khai cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức. Tính đến ngày 15/12/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trên tổng số dịch vụ công) cả nước đạt 68,07%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ (trên tổng số dịch vụ công đang cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4) đạt 36,47%. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) đạt 29,80%.
Tính đến ngày 23/12/2021, đã có 3.385 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 1.897 thủ tục hành chính của người dân và 1.836 thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Tại Trung ương, 5 bộ đạt trên 100 thủ tục hành chính được tích hợp, giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều nhất là các Bộ: Tài chính (270 thủ tục), Giao thông Vận tải (165 thủ tục), Y tế (154 thủ tục). Tại địa phương, 13 tỉnh, thành phố đạt trên 1.000 thủ tục hành chính được tích hợp, giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều nhất là Bình Phước (1450 thủ tục), Lào Cai (1.388 thủ tục), Bình Dương (1306 thủ tục).
88,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có trên 2,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; các đơn vị có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hơn 1,23 triệu hồ sơ), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (15,6 nghìn hồ sơ), Bộ Công Thương (4,2 nghìn hồ sơ), tỉnh Bình Định (22,1 nghìn hồ sơ), tỉnh Quảng Trị (21,6 nghìn hồ sơ), thành phố Hà Nội (19,9 nghìn hồ sơ)...