Cắt giảm, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính
Năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.568 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương mình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính. Thống kê trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho thấy, tại thời điểm ngày 23/12/2021, cả nước có 6.694 thủ tục hành chính, trong đó, 3.975 thủ tục hành chính thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.456 thủ tục hành chính thực hiện tại địa phương và 1.644 thủ tục hành chính thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương.
Song song với việc công bố công khai thủ tục hành chính, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực đẩy mạnh rà soát, đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa các mẫu đơn, tờ khai và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát, thống kê và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 23/12/2021, các bộ, cơ quan đã thống kê, cập nhật 6.460 quy định kinh doanh đang có hiệu lực lên Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, trong đó, có 3.447 thủ tục hành chính; 1.946 yêu cầu, điều kiện; 712 quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động kinh doanh; 330 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 19 thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 6 quy định cấm. Số quy định kinh doanh đã được duyệt công khai là 2.339.
Đồng thời, các bộ, ngành đang cập nhật quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, cũng còn một số bộ chưa quan tâm đến việc cập nhật dữ liệu kịp thời như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Khoa học và Công nghệ.
Cũng theo Văn phòng Chính phủ, nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong năm 2021 là 1.101 quy định, gồm: 507 thủ tục hành chính; 113 yêu cầu, điều kiện; 26 quy định về chế độ báo cáo; 172 mã số HS phải khai báo hải quan khi xuất nhập khẩu và 283 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại 70 văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tư pháp; Giao thông Vận tải thực hiện tốt việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trong quá trình xây dựng văn bản.
Liên quan đến công tác rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, hiện có 6 bộ, cơ quan gồm: Y tế, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 843 quy định kinh doanh, trong đó có 541 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 80 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ nêu trên phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 153 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 10 luật, 6 pháp lệnh; 51 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 87 thông tư, thông tư liên tịch) để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án dự kiến sửa đổi 81 quy định kinh doanh tại 13 văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu" nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải cách toàn diện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu và đang trình Chính phủ nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thể hóa 7 nội dung cải cách của Đề án. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế: ước tính trong một năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.
Cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc phạm vi quản lý; thực hiện các giải pháp để kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực... Nhiều nơi đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng và thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Đến hết tháng 9/2021, cả nước đã thành lập 11.699 Bộ phận Một cửa các cấp, với tổng số 62.489 công chức, viên chức làm việc, trực để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Ngoài ra, một số đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (điện lực, nước...) tại một số tỉnh, thành phố đã áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các công việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, An Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An...
Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021, Bộ phận Một cửa các cấp đã giải quyết gần 203,7 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có gần 202,5 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt 99,49%. Trong số này, Bộ phận Một cửa tại các các bộ, ngành đã tiếp nhận, giải quyết 101,8 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 101,6 triệu, đạt 99,8%. Bộ phận Một cửa cấp tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 26,5 triệu hồ sơ, trong đó, 26,15 triệu hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt 99,19%. Bộ phận Một cửa cấp huyện đã tiếp nhận, giải quyết 15 triệu hồ sơ, trong đó có 14,8 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt 98,27 %. Bộ phận Một cửa cấp xã tiếp nhận, giải quyết 60,2 triệu hồ sơ, số giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tới 99,72%, với hơn 60 triệu hồ sơ.
Bài cuối: Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số