Nhìn lại 6 lĩnh vực của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2023: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, có thể thấy những kết quả đạt được là khá toàn diện.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết Nhìn lại năm 2021 với tiêu đề "Gỡ điểm nghẽn để phục hồi và phát triển".
Bài 1: Vá "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật
Công tác xây dựng pháp luật luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, qua đó, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Nhiều chính sách gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp
Các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác; đồng thời, tích cực tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện một số nội dung cơ chế, chính sách quan trọng để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành cũng đã trình Chính phủ ban hành 112 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 quyết định để xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong đó có nhiều quy định liên quan đến cải cách hành chính.
Tại địa phương, năm 2021, cấp tỉnh ước tính ban hành khoảng 3.500 văn bản quy phạm pháp luật; cấp huyện ước tính ban hành 1.800 văn bản và cấp xã ước tính ban hành 2.700 văn bản. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan, địa phương ban hành hoặc trình ban hành cơ bản đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Chất lượng công tác thẩm định văn bản ngày càng được nâng cao và đảm bảo tiến độ, bên cạnh các khía cạnh pháp lý, nội dung thẩm định đã tập trung đánh giá tác động của các quy định tới đời sống kinh tế - xã hội, nhất là ở những quy định liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, thủ tục hành chính; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục những "lỗ hổng", "khoảng trống" trong hệ thống pháp luật.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định hơn 200 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nổi bật là "chùm" hơn 30 nghị định về xử lý vi phạm hành chính và "chùm" các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố ước tính thẩm định 4.900 dự thảo văn bản và các Phòng Tư pháp của cấp huyện ước tính thẩm định 1.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nhằm sớm đưa các chủ trương, chính sách nêu trên đi vào thực tiễn.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều chính sách.Bộ Tài chính có thông tư điều chỉnh giảm 50% mức thu một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y tính từ ngày 06/8/2021 đến ngày 31/12/2021, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (quy định cũ chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước 10/6/2020); cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022 (quy định cũ là đến ngày 31/12/2021); miễn giảm phí cho khách hàng. Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp,... đã ban hành quy định về chính sách hỗ trợ đặc thù để động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch...
Xử lý dứt điểm văn bản trái pháp luật
Bộ Nội vụ cho biết, công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các kế hoạch để tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các văn bản quy định chi tiết được giao. Số văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng đã giảm mạnh so với trước đây, tính đến hết tháng 11/2021, chỉ có 06 văn bản còn nợ ban hành (cùng kỳ năm 2020 nợ 17 văn bản). Thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngày càng nền nếp.
Việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành về quản lý, sử dụng đất đai, rừng; bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy và nhiều chuyên đề khác gắn với lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Nổi bật như Hậu Giang tiến hành khảo sát đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất. Qua đó, đã kịp thời "phản ứng chính sách" đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những cơ chế không còn phù hợp; đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm vào các quy định gây vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đất đai, quy hoạch, quản lý tài sản công, thuế. Sau khi rà soát, các tỉnh, thành phố đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ 111 vấn đề đang gây vướng mắc, bất cập được quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ. Chính phủ đã cơ bản thông qua đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung của 10 luật nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật.
Theo thống kê từ Bộ Tư pháp, trong năm 2021, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 3.644 văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan, địa phương ban hành. Thông qua kiểm tra, đã kịp thời kết luận, kiến nghị xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, góp phần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thể chế và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Bài 2: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ