Theo ông Vũ Quang Việt, trong số các hành động nói trên có thể kể đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và EEZ của Malaysia, tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa", đặt tên cho khoảng 80 cấu trúc trên Biển Đông...
Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các nghị sĩ Mỹ đã lên án cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, gây hại cho các nước trong khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và lên án hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Ông Vũ Quang Việt khẳng định những hành động của Trung Quốc đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp gửi công hàm lên LHQ nhằm phản đối các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong khi đó, Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard (Mỹ), nhấn mạnh các hành động gần đây của Trung Quốc mang tính khiêu khích đối với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đi ngược lại UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một thành viên.
Theo Giáo sư Tạ Văn Tài, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 đoạn”) chiếm tới gần 80% diện tích Biển Đông là vô lý bởi Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng pháp lý nào đủ thuyết phục, đồng thời vi phạm chủ quyền trên biển của các nước khác được quy định rõ ràng trong UNCLOS 1982. “Đường lưỡi bò” đã bị Tòa trọng tài thường trực của LHQ bác bỏ trong phán quyết năm 2016 khi Phillipines kiện Trung Quốc.