Ông Lee Hyuk nhận định, trong 1/4 thế kỷ qua, Việt Nam không chỉ trở thành một phần không thể tách rời của ASEAN mà còn là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực. Ngay cả trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và tần suất thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu... Khi COVID-19 bùng phát, Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, với sự “gắn kết và thích ứng” - không chỉ rất kịp thời mà còn phù hợp với tình hình đại dịch hiện nay - Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc, không chỉ trong việc ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh trong nước mà còn trong việc đoàn kết các thành viên ASEAN cùng hành động.
Thông qua nhiều hội nghị trực tuyến ở cả cấp cao và cấp bộ trưởng, Việt Nam đã có thể đưa các nước trong khu vực xích lại gần nhau để chia sẻ thông tin về COVID-19; hỗ trợ thiết bị y tế các nơi bị ảnh hưởng; tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho các cá nhân có vai trò thiết yếu; cam kết mở cửa, tự do thương mại và giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngày 15/11 tới, nhân dịp các hội nghị cấp cao liên quan đến ASEAN, các nhà lãnh đạo của 15 quốc gia trong khu vực (10 nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand) sẽ ký kết RCEP, một thỏa thuận dự kiến sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động thương mại trong khu vực sau COVID-19.
Nhận định về triển vọng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trong tương lai, ông Lee Hyuk cho biết sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hàn Quốc vào năm 2019, hai bên đã sẵn sàng bước vào một năm quan hệ đối tác được nâng cao hơn. Sự bùng phát bất ngờ của đại dịch COVID-19 đã khiến các dự án hợp tác và trao đổi có thể bị tạm dừng. Tuy nhiên, ASEAN và Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội để tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực mới - ngoài việc thúc đẩy các nỗ lực chung để ứng phó với đại dịch, ASEAN và Hàn Quốc đã thiết lập một kênh liên lạc thường xuyên giữa các cơ quan y tế để tăng cường phối hợp. Hàn Quốc đã đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN và hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc, cả hai đều đã sớm thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đã đi đầu trong việc tạo động lực tích cực cho hợp tác ASEAN-Hàn Quốc. Trong những tháng qua, Việt Nam đã giúp 5.000 doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam và hai nước hiện đang tiến hành giải quyết thủ tục nhập cảnh nhanh chóng để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại cần thiết của các cá nhân. Việt Nam sẽ là nước ASEAN thứ 3 làm như vậy với Hàn Quốc, sau Indonesia và Singapore.
Trên thực tế, dựa trên kinh nghiệm biến khủng hoảng thành cơ hội trong quá khứ (chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997), ASEAN và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn từ những khó khăn hiện tại để xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt trong tương lai. Là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng (ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN), hai bên sẽ không thể thiếu nhau trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Tầm quan trọng chiến lược của ASEAN đối với Hàn Quốc và Hàn Quốc đối với ASEAN cũng sẽ tăng lên khi khu vực tìm cách tăng cường chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN. “Chính sách hướng Nam mới” đang được Chính phủ Hàn Quốc triển khai dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác cùng có lợi giữa ASEAN và Hàn Quốc trong bối cảnh bức tranh địa chính trị và kinh tế khu vực đang thay đổi.