Giáo sư Nguyễn Tài Thu, một người bạn quý của Mexico

Nhận được tin Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội châm cứu Việt Nam từ trần, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico (PT) Alberto Anaya Gutierrez đã chỉ thị ngay cho trợ lý của mình đang công tác tại Hà Nội chuyển điện chia buồn của ông tới Bệnh viện châm cứu Trung ương và gia đình GS Thu, chuẩn bị vòng hoa viếng và cho ông biết tất cả những gì mà PT có thể làm được để giúp chia sẻ nỗi đau của sự mất mát lớn này đối với thân nhân của giáo sư.

Chú thích ảnh
Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Cũng với tình cảm quý trọng, thân thương như thế, rất nhiều những người bạn của thầy Thu (tôi muốn được gọi Giáo sư như thế với tất cả sự kính yêu và thân thiết giữa Ông và tôi trong gần hai mươi năm qua) như nghị sỹ liên bang Alfredo Femat, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghĩ sỹ Quốc hội Mexico Hữu nghị với Việt Nam; ông Felix Castellanos, Chủ tịch Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam... đều đã có những lời chia buồn thống thiết gửi tới Bệnh viện châm cứu Trung ương và gia đình Giáo sư Thu.

Mối quan hệ hợp tác giữa Đảng Lao động Mexico và Viện châm cứu, sau này là Bệnh viện châm cứu Trung ương đã bắt đầu từ hai mươi năm trước. Trong thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Lao động Mexico vào năm 1999 đã xuất hiện nội dung về hợp tác trong lĩnh vực châm cứu.

Chú thích ảnh
Giáo sư Nguyễn Tài Thu tiếp ông Alberto Anaya, Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico, tại Hà Nội.

Từ đó về sau, thầy Thu đã kiên trì, miệt mài xây đắp cho mối quan hệ hợp tác này ở nhiều góc độ: từ trao đổi kinh nghiệm, truyền bá kiến thức y học cổ truyền phương Đông đến tổ chức đào tạo, điều trị trực tiếp cho người dân Mexico, tham gia công tác đối ngoại nhân dân bằng các hoạt động cụ thể của các thầy thuốc Việt Nam.

Rồi từ Mexico, công việc của thầy Thu vươn tới các nước khác trong khu vực. Quốc hội Panama mời thầy sang để bàn việc hai nước hợp tác xây dựng một Bệnh viện châm cứu tại đây. Các nước như Venezuela, Nicaragua, El Salvador... cũng bày tỏ mong muốn đón các chuyên gia châm cứu của Việt Nam. Chỉ riêng ở Mexico, nơi mà nhiều hoạt động và mọi kết quả đều có sự tham gia trực tiếp của thầy Thu, đã có hơn 100 lượt, giáo sư, bác sỹ, phiên dịch chuyên môn sang công tác tại ba Trung tâm châm cứu của Việt Nam, đã vững vàng tồn tại suốt hai mươi năm qua.

Chú thích ảnh
Ông Alberto Anaya và trợ lý Hồ Quang Minh thăm Giáo sư Thu năm 2019.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần nửa triệu lượt người Mexico đến điều trị tại các Trung tâm này một cách có hiệu quả đối với rất nhiều loại bệnh lý kể cả thông thường và chuyên biệt. Trực tiếp tham gia giảng dạy và đưa sinh viên Mexico sang thực tập tại Việt Nam, thầy Thu cùng tập thể Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã mở lớp đào tạo và cấp bằng thạc sỹ cho gần 20 bác sỹ y khoa chuyên ngành châm cứu vào năm 2005. Có lẽ đây là lần đầu tiên giáo dục y khoa của Việt Nam mang chuông đi đánh xứ người và đã thành công ở Trường Đại học Tổng hợp Zacatecas, một bang miền núi của Mexico.

Tại đây đã triển khai một Trung tâm châm cứu của Việt Nam và hiện nay vẫn đang chuẩn bị cho việc đào tạo một khoá bác sỹ châm cứu mới. Đến nay nội dung hợp tác châm cứu giữa Việt Nam và Mexico vẫn được đưa vào Thoả thuận hợp tác dài hạn giữa hai Đảng và trong các nhiệm kỳ Đại sứ suốt hai mươi năm qua, hợp tác trong lĩnh vực châm cứu luôn được đánh giá là một điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Chú thích ảnh
Giáo sư Thu châm cứu cho bệnh nhân ở Trung tâm châm cứu Monterrey năm 2004.

Vĩnh biệt Giáo sư Nguyễn Tài Thu, tôi nhớ đến ông không chỉ về  phương diện tài năng và những thành tựu trên lĩnh vực châm cứu mà còn nhớ về ông như một nhà ngoại giao nhân dân đã đưa hình ảnh của Việt Nam đến những vùng đất châu Mỹ xa xôi, cách xa nửa vòng trái đất. Giáo sư Nguyễn Tài Thu còn được 16 trường đại học nước ngoài tặng bằng Tiến sỹ danh dự.

Trong lĩnh vực của mình, ông đã  thực hiện hợp tác về khoa học và chuyên môn với 38 quốc gia trên thế giới. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung và từng trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên cũng như các đồng nghiệp, các nhà chuyên môn tại nhiều nước ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ La tinh.

Bí quyết của Thầy Thu không chỉ nằm ở những cây kim kỳ diệu và đôi "bàn tay vàng" mà còn ở tình yêu xuất phát từ cái tâm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Đúng như những gì ông đã đúc kết và từng răn dạy các học trò của mình: “Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim biết rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ”.

Hà Nội ngày 15/2/2021.

TS Hồ Quang Minh (Điều phối viên Dự án Hợp tác châm cứu Việt Nam-Mexico)
Một vài kỷ niệm với GS. Nguyễn Tài Thu - người có đôi ‘bàn tay vàng’ châm cứu của Việt Nam
Một vài kỷ niệm với GS. Nguyễn Tài Thu - người có đôi ‘bàn tay vàng’ châm cứu của Việt Nam

"Lũ trẻ 8-9 tuổi như chúng tôi lúc bấy giờ, đều là con em trong Tập thể Viện Đông y, chỉ dám nhìn Thầy từ xa, như nhìn ông tiên đã mang đến một điều kỳ diệu cho mọi người" - BS Lê Anh Tuấn, một bác sĩ người Việt đang làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), học trò của GS Nguyễn Tài Thu, hồi tưởng về người thầy kính yêu của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN