Giáo sư Hoàng Tranh: Nhân dân Trung Quốc luôn tưởng nhớ và kính trọng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn lớn và thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tranh đang công tác tại Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự gắn bó, tình cảm sâu đậm giữa Bác Hồ và nhân dân Trung Quốc.

Trước tiên xin chân thành cảm ơn giáo sư đã dành thời gian trao đổi với phóng viên TTXVN về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc. Xin giáo sư cho biết những nội dung hoặc dấu ấn gì trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh mà giáo sư tâm đắc nhất?

Hồ Chí Minh là người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Với tư cách là một học giả Trung Quốc nghiên cứu về sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh, điều đầu tiên tôi cảm thấy rất hứng thú và cho rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật hết sức thần kỳ. Trên chặng đường đấu tranh cách mạng, mặc dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ cũng như nguy hiểm và thách thức, nhưng lần nào cũng vậy Hồ Chí Minh đều hóa giải được tất cả các mối hiểm nguy, đúng như người Trung Quốc vẫn nói “biến nguy thành an”. Việc làm này hết sức thần kỳ. Trong tất cả những gian nan, thử thách mà Hồ Chí Minh phải trải qua có thể nói nguy hiểm nhất là hai lần bị bắt giam với tổng thời gian kéo dài đến gần hai năm rưỡi. Lần thứ nhất, Hồ Chí Minh bị chính quyền thực dân Anh tại Hồng Công bắt giam vào tháng 6/1931 và đến tháng 1/1933 mới được trả lại tự do. Hồ Chí Minh lần thứ hai bị Quốc dân đảng bắt giam tại Quảng Tây vào tháng 8/1942 và hơn một năm sau mới được tự do. Trong khoảng thời gian gần hai năm rưỡi bị bắt giam đó, Hồ Chí Minh đã phải trải qua vô vàn khó khăn và hoạn nạn. Cuộc sống cực nhọc cũng như các hình thức đày ải trong tù đã khiến Hồ Chí Minh đau ốm, cơ thể gầy còm và ốm yếu. Những bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1944 sau khi ra khỏi nhà tù của Quốc dân đảng cho thấy sức khỏe của Hồ Chí Minh vô cùng sút kém. Tuy nhiên, sức khỏe của Hồ Chí Minh không lâu sau đó đã hoàn toàn hồi phục, tinh thần và ý chí cách mạng đã giúp Hồ Chí Minh nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh chống lại ách thống trị.

Giáo sư Hoàng Tranh giới thiệu những cuốn sách đã viết về Bác Hồ.


Một điều nữa cũng hết sức thần kỳ là trong suốt chặng đường cách mạng của mình, Hồ Chí Minh rất nhiều lần thay đổi tên gọi. Chúng ta không đề cập đến những bút danh trong các bài viết của Hồ Chí Minh mà chỉ quan tâm đến những tên gọi trong cuộc sống hàng ngày. Hồ Chí Minh khi hoạt động ở châu Âu được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, thời gian ở Quảng Châu lấy tên là Lý Thụy, tại Hồng Công có tên Tống Văn Sơ và sau này là các tên gọi Hồ Quang, Hồ Chí Minh… Có thể nói việc thường xuyên thay đổi tên gọi cũng là một nội dung biến hóa trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh. Điều này không những khác hẳn với những người lãnh đạo của các nước khác mà còn là biểu hiện cho thấy tính thần kỳ ở con người Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là những nội dung khiến tôi rất hứng thú khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh.

Xin giáo sư cho biết những đánh giá của mình về tình cảm sâu đậm, gắn bó giữa Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc cũng như tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Hồ Chí Minh?

Cách mạng Trung Quốc và Cách mạng Việt Nam luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong quá khứ, nhân dân hai nước đều chịu cảnh bị thực dân đô hộ và áp bức, do đó có cùng mục tiêu, con đường và lý tưởng đấu tranh. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc và có tình cảm rất sâu sắc với những người cộng sản Trung Quốc, nhất là trong thời gian hoạt động tại Pari (Pháp) và Mátxcơva (Liên Xô). Năm 1924, Hồ Chí Minh đến Quảng Châu (Trung Quốc) lại càng có nhiều cơ hội hoạt động và gắn bó cùng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản cũng như người dân Trung Quốc. Sau khi rời Quảng Châu, Hồ Chí Minh trong những năm 30 của thế kỷ trước hoạt động tại Hồng Công, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đều thường xuyên có quan hệ thân thiết với các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hoạt động tại đây.

Sau này, khi trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng và nhất là năm 1941 do yêu cầu nhiệm vụ, Hồ Chí Minh một lần nữa lại đến Quảng Tây để thực hiện các hoạt động cách mạng. Những cơ hội và thời gian hoạt động trên đã hình thành một tình cảm vô cùng sâu đậm giữa Hồ Chí Minh với tổ chức đảng cũng như các đồng chí lãnh đạo của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng cũng có mối quan hệ vô cùng gắn bó, thân thiết và hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh có một tình cảm rất sâu đậm với nhân dân Trung Quốc và ngược lại nhân dân Trung Quốc cũng vô cùng yêu quí, kính trọng và hết lòng giúp đỡ Hồ Chí Minh. Giữa Hồ Chí Minh và nhân dân Trung Quốc đã hình thành một thứ tình cảm sâu sắc, “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Điều này được thể hiện qua rất nhiều sự kiện khác nhau trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng. Trong thời gian ở Pháp, Hồ Chí Minh đã gắn bó và hoạt động cùng một số thanh niên ưu tú của Trung Quốc như các đồng chí Lý Phú Xuân, Chu Ân Lai… Khi đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã sớm trưởng thành hơn các thanh niên Trung Quốc vì đã là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Do vậy, trong thời gian hoạt động tại Pari, Hồ Chí Minh đã giới thiệu 5 thanh niên Trung Quốc vào Đảng Cộng sản Pháp và đây có thể nói là một công lao rất to lớn, góp phần xây dựng và tăng cường sự đoàn kết của giai cấp vô sản quốc tế.

Hồ Chí Minh khi ở Mátcơva đã cùng học với Trương Thái Lôi và sau này họ lại cùng có thời gian hoạt động với nhau tại Quảng Châu. Trong thời gian ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã tận dụng điều kiện của Trung Quốc để tiến hành các hoạt động của cách mạng Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tham gia các hoạt động của Đảng cộng sản Trung Quốc và đóng góp rất nhiều cho nhân dân Trung Quốc. Khi hàng chục nghìn công nhân Quảng Châu tổ chức bãi công chống lại chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh khi đó đã chủ động đến nơi các công nhân đang tập trung để diễn thuyết, giảng giải bằng cả tiếng phổ thông Trung Quốc lẫn tiếng Quảng Đông nhằm cổ vũ và khích lệ những người công nhân kiên cường đấu tranh và giành thắng lợi. Trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã có rất nhiều đóng góp và ủng hộ trên phương diện tình cảm. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật, Hồ Chí Minh tại Quế Lâm (Quảng Tây) đã viết rất nhiều tin, bài cho một tờ báo có tên “Cứu vong Nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tuyên truyền và ủng hộ cho phong trào chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc. Đặc biệt, Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian này còn tham gia công tác của một chi bộ Đảng Cộng sản ở Quế Lâm, làm Phó Chủ nhiệm của tờ báo “Cứu vong Nhật báo” kể trên, đồng thời đảm nhiệm một khối lượng lớn công việc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Có thể nói, trong tất cả những thời khắc mang tính then chốt của cuộc đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đều ở bên cạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi tiến hành cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo các thành viên của “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” tham gia cuộc khởi nghĩa, đấu tranh cùng nhân dân Trung Quốc. Do vậy, có thể khẳng định, Hồ Chí Minh có một tình cảm vô cùng sâu sắc với Đảng Cộng sản, cách mạng và nhân dân Trung Quốc, đồng thời cũng đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng của Trung Quốc.

Sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng, Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang thăm, nghỉ dưỡng, tiếp xúc và tăng cường tình cảm gắn bó sâu đậm với nhân dân Trung Quốc. Hồ Chí Minh không hề quên sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những người dân ở khu vực biên giới Quảng Tây. Mỗi khi chuẩn bị đón xuân mới, Hồ Chí Minh đều đích thân viết những tấm thiếp chúc mừng năm mới gửi tặng nhân dân Trung Quốc, thường xuyên mời các đại biểu nhân dân ở khu vực biên giới sang thăm, dự Lễ Quốc khánh của Việt Nam, đồng thời tổ chức gặp gỡ, đón tiếp cũng như nói chuyện rất nồng hậu và thân thiết. Đây chính là bằng chứng và biểu hiện của mối tình sâu đậm, hữu nghị giữa Hồ Chí Minh với nhân dân Trung Quốc. Đơn cử như việc Hồ Chí Minh trước khi bị Quốc dân đảng bắt tại Quảng Tây thường xuyên gắn bó với một người dân Trung Quốc làm nhiệm vụ dẫn đường cho Hồ Chí Minh. Người này sau đó cũng bị Quốc dân đảng bắt giam, mắc bệnh và qua đời. Sau khi cách mạng Việt Nam thành công, Hồ Chí Minh đã mời em trai của người dẫn đường kể trên sang thăm Việt Nam. Khi gặp gỡ, Hồ Chí Minh đã rất xúc động nói: “Anh trai của anh đã hy sinh vì cách mạng Việt Nam và tôi vô cùng thương tiếc anh ấy”. Ngoài ra, sau này khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện chính sách cử cố vấn sang giúp cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tổ chức đón tiếp và chăm sóc rất tốt đối với các đồng chí cố vấn. Hồ Chí Minh thường xuyên đích thân viết thư và làm thơ để tặng các đồng chí trong đoàn cố vấn, những tư liệu này hiện vẫn đang được lưu giữ rất nhiều… Tất cả những điều này cho thấy Hồ Chí Minh có một tình cảm vô cùng hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

Ngược lại, nhân dân Trung Quốc cũng có tình cảm vô cùng sâu đậm với Hồ Chí Minh. Trong thời gian tiến hành các hoạt động cách mạng tại Quảng Châu, nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp đỡ Hồ Chí Minh rất nhiều việc như chọn địa điểm để mở lớp bồi dưỡng lý luận, lo ăn, lo mặc cho các học viên cũng như chăm sóc cuộc sống cho chính bản thân Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phu nhân của Thủ tướng Chu Ân Lai từng đích thân đan áo len tặng Hồ Chí Minh. Nhân dân Trung Quốc từng quan tâm và giúp đỡ Hồ Chí Minh rất chu đáo như cử người dẫn đường, phiên dịch và chăm sóc khi đau ốm… Ngoài ra, tình cảm sâu đậm của nhân dân Trung Quốc dành cho Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua sự yêu quý, kính trọng và mãi mãi tưởng nhớ đến Hồ Chí Minh. Đảng, chính phủ cũng như chính quyền các địa phương Trung Quốc mà Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động luôn làm tốt công tác bảo tồn các di tích liên quan đến Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhân dân Quảng Tây do có nhiều kỷ niệm và gắn bó nên rất kính trọng Hồ Chí Minh. Các di tích về Hồ Chí Minh tại một số địa phương của Quảng Tây như Quế Lâm, Liễu Châu và Long Châu đều được quan tâm, giữ gìn rất tốt. Thêm vào đó, Trung Quốc trong những năm gần đây cũng xuất bản rất nhiều cuốn sách nói về Hồ Chí Minh… Nhân dân Trung Quốc đã thông qua những việc làm như giữ gìn kỷ vật, xây dựng nhà tưởng niệm và viết sách… để tưởng nhớ Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm sâu đậm cũng như sự kính trọng đối với Hồ Chí Minh.

“Nhật ký trong tù” là tập thơ lớn viết bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin giáo sư cho biết một số nhận xét, đánh giá của mình về tác phẩm nổi tiếng này?

“Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là một tập thơ có sức ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam đã xuất bản rất nhiều cuốn sách nói về tập thơ này và tại Trung Quốc cũng đã xuất bản 4 cuốn sách liên quan đến “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Bản thân tôi xuất phát từ tình cảm yêu quý và kính trọng Hồ Chí Minh nên cũng đã biên tập và xuất bản một cuốn sách giải thích, lý giải về “Nhật ký trong tù”. Tôi cho rằng tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh chính là một di sản quý báu của văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã dùng tiếng Hán để làm 133 bài thơ nói về cuộc sống trong tù và 40 bài thơ kể về cuộc sống ở bên ngoài và tổng cộng “Nhật ký trong tù” có 173 bài thơ. Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh tôi đã viết một luận văn nghiên cứu về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh và lấy đầu đề là “Một di sản quý báu của văn hóa phương Đông: phân tích và thưởng thức thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh”. Trong bài viết này, tôi đã đưa ra một số đánh giá và bình luận mới về “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. “Nhật ký trong tù” có giá trị tư tưởng rất lớn, nó kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng của giai cấp vô sản và tinh thần cách mạng cao cả của Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đặc điểm nghệ thuật trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh cũng rất nổi bật, kết hợp hài hòa và tài tình giữa tinh thần cách mạng với môi trường cũng như cảnh vật nên thơ xung quanh. Hồ Chí Minh nắm rất chắc và sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt những cách thức, niêm luật và đặc điểm của thơ chữ Hán, đồng thời cũng vận dụng khéo léo nhiều điển tích, điển cố và thành ngữ của Trung Quốc trong những tác phẩm của mình. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh đã hiểu biết và nghiên cứu rất sâu về văn hóa phương Đông.

Giá trị to lớn về mặt tư tưởng trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số phương diện như ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần lạc quan và không quản ngại bất cứ khó khăn, gian khổ nào; lòng yêu nước sâu sắc và tình cảm trung kiên với các đồng chí cách mạng; từng giờ, từng phút quan tâm đến diễn biến của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam… Bên cạnh đó, nội dung những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” còn thể hiện tình cảm sâu đậm giữa Hồ Chí Minh với nhân dân Trung Quốc. Trong nhiều bài thơ của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến tình hình cách mạng của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lòng tin tưởng rằng nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của người dân Trung Quốc, điển hình nhất là việc quan tâm đến tình hình chống hạn của nhân dân Quảng Tây...

Xin chân thành cảm ơn giáo sư!

Xuân Vịnh - Quang Đức (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN