Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 237.438 trẻ em (chiếm 20,9% dân số), trong đó có 2.829 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có khoảng 12.300 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ghi nhận của các ngành chức năng từ năm 2015 đến tháng 6/2019, thành phố xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung ở các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục; trong đó có 65 trẻ em bị xâm hại. So với giai đoạn 2011 – 2015 đã giảm 50 vụ và 54 trẻ bị xâm hại.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em phần lớn là nam giới và người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… Các đối tượng lợi dụng trẻ em còn nhỏ tuổi, thiếu hiểu biết, lợi dụng quan hệ yêu đương, dùng vật chất dụ dỗ, dùng sức mạnh khống chế, lợi dụng địa bàn vắng, gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát hoặc khi chỉ có một mình trẻ ở nhà để thực hiện hành vi xâm hại. Các hành vi xâm hại đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, gây tâm lý hoang mang, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Để bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 100% xã, phường đã thành lập mô hình phòng chống bạo lực gia đình; có 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình; thành lập đội ngũ cộng tác viên trẻ em thôn, tổ dân phố với số lượng 1.809 người. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vào các hoạt động giáo dục, chương trình giảng dạy ở các cấp, bậc học. Qua 5 năm (2014 - 2018), thành phố Đà Nẵng luôn duy trì được 56/56 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo Quyết định 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác và các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng đã trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn về công tác quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua khảo sát đột xuất vào sáng 4/10 tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn quận Thanh Khê, Đoàn giám sát đã có những đánh giá tốt về việc các học sinh nắm được kiến thức về xâm hại tình dục, bạo lực học đường và biết cách phòng tránh khi có các tình huống xấu xảy ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Nga ghi nhận những kết quả thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Lê Thị Nga đề nghị trong thời gian tới, thành phố cần có kế hoạch triển khai hiệu quả Luật Trẻ em và có sự phân công rõ cho các đơn vị để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời thành phố cần chú trọng quan tâm tới nhóm trẻ có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo hành ở nhóm trẻ tư thục; hạn chế những vụ xâm hại, bạo hành gây bức xúc dư luận và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em.