Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Sáng 11/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã họp phiên thứ nhất.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp nhằm thống nhất nhận thức, hành động trong Đoàn giám sát, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để có được kế hoạch, chương trình, đề cương báo cáo. Yêu cầu đặt ra đối với chuyên đề giám sát này là đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng. Do đó, thực hiện tốt các chuyên đề giám sát sẽ tạo bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, Đoàn giám sát phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động trong tổ chức triển khai hoạt động giám sát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ đã đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, vấn đề quan trọng trong giám sát là tổ chức thực hiện, trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp là của từng thành viên Đoàn giám sát; phải bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong chuyên đề giám sát này.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về kế hoạch chi tiết; các Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên Đoàn giám sát. Các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể về đối tượng, địa bàn khảo sát, việc phối hợp giữa Đoàn giám sát với Ủy ban MTTQ Việt Nam; HĐND cấp tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương.

Một số ý kiến đề nghị nên bổ sung phương pháp thăm dò ý kiến dư luận, nhằm nghiên cứu, đánh giá ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung phương pháp tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này, nhằm so sánh hệ thống chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của nước ta với một số nước khác, nhất là những nước có nét tương đồng về thể chế chính trị.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn; thực hiện đúng các quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, phải nghe bằng nhiều kênh, trung thực, khách quan.

Đối với từng bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương, địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, các cơ quan cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, cung cấp thông tin. HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong quá trình tổ chức, triển khai chuyên đề giám sát.

Phan Phương (TTXVN)
Sôi động thị trường sách giáo khoa, đồ dùng học tập trước thềm năm học mới
Sôi động thị trường sách giáo khoa, đồ dùng học tập trước thềm năm học mới

Chỉ còn một tuần nữa, năm học mới 2022 - 2023 sẽ bắt đầu, đây cũng là lúc mà thị trường sách giáo khoa, đồ dùng học tập và văn phòng phẩm trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN