Giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi nộp thuế

Sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.


 

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, đa số các đại biểu đều đồng ý với nội dung của báo cáo. Tuy nhiên, để hoàn thiện Luật Quản lý thuế vẫn còn một số nội dung các đại biểu băn khoăn.


Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chia sẻ: Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện trước khi thông quan. Đại biểu cho rằng việc sửa đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu để hài hòa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp. Qua thảo luận, nhiều đại biểu thể hiện sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Thân Đức Nam. Chia sẻ thêm về nội dung này, đại biểu Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) đề nghị trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, Quốc hội không nên sửa đổi ngay nội dung về thời hạn đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vì thay đổi sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.


Đại biểu Điêu K’Rứ (Đắk Nông) cho rằng: Về nội dung kê khai thuế, Điều 21 quy định hiện nay các đối tượng nộp thuế GTGT trừ đối tượng khai theo từng lần phát sinh thì đều thực hiện kê khai thuế theo tháng. Hiện Chính phủ đang cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung đầu tư, do đó cần quy định rõ trong luật được khai thuế theo tháng hay quý bằng việc dựa vào số thuế phát sinh, số phải nộp và số còn được khấu trừ của doanh nghiệp để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.


Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị, đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, cần bổ sung quy định giải quyết xóa nợ thuế, tiền phạt thuế cho doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật về phá sản. Hiện nay, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không còn tư cách pháp nhân để giải quyết bất kỳ thủ tục nào, không thể sử dụng dấu của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản và cũng không thể nhân danh cá nhân đứng ra giải quyết vấn đề thuế.

 

Làm rõ bản chất hợp tác xã


Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).


Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý đồng thời tập trung cho ý kiến về: bản chất của hợp tác xã (HTX); tổ chức liên minh HTX; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; quyền của HTX được thành lập công ty; phân phối thu nhập của HTX...


 

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Đề cập bản chất của HTX, đa số ý kiến đại biểu tán thành với định nghĩa HTX như tiếp thu, chỉnh sửa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 1, Điều 4: HTX là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, đồng sở hữu, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã theo quy định của luật này.


Cho rằng, quy định này đã thể hiện rõ hơn bản chất của HTX, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhấn mạnh: Xét về mục tiêu, quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối, HTX không phải là doanh nghiệp mà là một tổ chức tập thể được lập ra để giúp đỡ lẫn nhau, để phục vụ và hỗ trợ các thành viên, thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, văn hóa xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, không thể coi HTX là một doanh nghiệp, có tư cách như một doanh nghiệp.


Nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn bản chất HTX khác với doanh nghiệp về mục đích hoạt động, mối tương quan với thị trường, với những đặc điểm khác nhau thể hiện trong 4 quan hệ cơ bản: sở hữu, kinh tế, phân phối và quản lý. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), HTX được thành lập ngoài đáp ứng yêu cầu kinh tế còn đáp ứng yêu cầu văn hóa xã hội của xã viên và cộng đồng. Với cách tiếp cận này, HTX khác biệt so với doanh nghiệp ở tính chính trị, tính xã hội cao hơn.


Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, cần xác định mục đích hoạt động của HTX là đem lại lợi ích cho các thành viên, còn mục đích của doanh nghiệp là nhằm hướng tới lợi nhuận, do đó không thể đồng nhất. Nếu quy định HTX như một loại hình doanh nghiệp, vô hình chung, quy định tổ chức này là một tổ chức lưỡng tính, cùng một lúc phải chịu sự điều chỉnh đồng thời của hai luật: Luật HTX và Luật Doanh nghiệp, gây nên sự phức tạp, chồng chéo và dễ bị lợi dụng. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp lợi dụng "khoác áo" HTX để khai thác chính sách ưu đãi, hỗ trợ.


Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần xác định HTX mang chức năng kép là chức năng kinh tế - xã hội, trong đó chức năng kinh tế đóng vai trò tạo động lực phát triển, chức năng xã hội đóng vai trò tạo sức liên kết, hợp tác giữa các xã viên trong việc phát triển. Theo đại biểu, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) xác định HTX là một loại hình doanh nghiệp, do đó dự thảo cũng phải xác định HTX là một tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. HTX phải mang tính hiện đại, quy mô sản xuất ngày càng lớn, năng suất lao động ngày càng cao, từ đó sản phẩm, dịch vụ tạo ra của HTX lớn hơn nhiều so với nhu cầu của xã viên. Nếu hạn chế HTX cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, khống chế việc phân phối lợi nhuận như quy định trong dự thảo thì HTX không thể phát triển được, chỉ phù hợp với HTX nhỏ, kinh doanh trong phạm vi địa bàn nhỏ, không kích thích được các HTX lớn phát triển.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh hai tính chất quan trọng, hai mặt không thể tách rời của HTX là tính chất kinh tế và tính chất xã hội, không thể xem nhẹ hay coi trọng mặt nào hơn mặt nào. Trong đó, mặt xã hội là mục tiêu, thể hiện HTX mang tính chất cộng đồng, là cơ sở, nền tảng quyết định mọi hoạt động của HTX. Mặt kinh tế là hình thức, phương tiện để HTX thực hiện mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu rõ được tính chất kinh tế của HTX.


Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần khẳng định bản chất của HTX là một loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể. Luật phải làm rõ đặc điểm thành phần kinh tế tập thể HTX, điểm khác so với những bộ phận khác của chế độ sở hữu tập thể như công ty cổ phần.


Đề cập chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX vẫn là tiếp cận nguồn vốn, nhất là HTX nông nghiệp, ngư nghiệp do vốn góp của thành viên HTX mà đa số là nông dân, ngư dân là không đáng kể; huy động vốn cũng không dễ dàng. Phần đông các HTX này không vay được vốn của ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Do đó, cần bổ sung, quy định cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng.


Thu Hà - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN