Giảm nghèo bền vững bằng tiêu chí đa chiều

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên - ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi về những giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

 

 

Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa bền vững. Vậy đâu là những hạn chế, thưa ông?


Giảm nghèo luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đó là mục đích, yêu cầu, động lực của phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua rất tích cực, được nhân dân, Liên hợp quốc cũng như dư luận quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Qua giám sát chúng tôi thấy: Thứ nhất, hệ thống chính sách giảm nghèo ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn chồng chéo manh mún.

Giai đoạn 2005-2012, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,3-2,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn có khoảng cách khá lớn, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…

Quy trình xây dựng chính sách vẫn từ trên xuống, chưa huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân. Thứ hai, nguồn lực cho giảm nghèo tuy đã cố gắng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Thứ ba, cơ chế tổ chức thực hiện vừa trùng lắp, phân tán, chưa phân cấp rõ cho địa phương nên chưa phát huy được tính chủ động. Thứ tư, huy động nguồn lực xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, còn hạn chế. Thứ năm, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số… còn cao.


Vậy theo ông trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên?


Những hạn chế về giảm nghèo có nguyên nhân do hệ thống chính sách còn manh mún, phân tán, chồng chéo; tổ chức thực hiện thiếu lồng ghép, chưa phát huy sự chủ động tham gia của địa phương, người nghèo. Chúng tôi cho rằng người nghèo nhiều nơi bị áp đặt từ khâu bố trí nguồn lực và phương thức thoát nghèo nên bản thân người nghèo vẫn chưa phát huy tiềm năng sáng tạo hay là mong muốn vươn lên thoát nghèo mà có sự trông chờ ỷ lại. Bên cạnh đó, vai trò của một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến giảm nghèo.


Do đó, trong định hướng giảm nghèo sẽ chú trọng hơn tính bền vững và đặc biệt là thực hiện kịp thời hơn chuẩn nghèo mới mang tính chất đa chiều để đảm bảo giảm nghèo bền vững. Đồng thời tập trung nguồn lực, giải pháp giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và làm sao để tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo thấp hơn giai đoạn vừa rồi để bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo.

 

Vậy khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều có làm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay gia tăng không, thưa ông?


Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều hoàn toàn khả thi vì trên thực tế trước đây, chúng ta áp dụng chuẩn nghèo đơn chiều, tức là chỉ tính dựa trên thu nhập nhưng thực tế chính sách của chúng ta thực hiện đã là đa chiều rồi, như chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, thông tin.


Trong đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm nghèo, chúng tôi kiến nghị nội hàm chính trong khái niệm giảm nghèo đa chiều không chỉ là vấn đề thu nhập, việc làm, an sinh xã hội mà còn bảo đảm nhu cầu thiết yếu chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, thông tin.


Theo điều tra sơ bộ, có những vùng nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ nghèo sẽ tăng lên đáng kể, nhưng cũng có vùng tỷ lệ này thay đổi không lớn lắm bởi thực tế chính sách Nhà nước đang triển khai đã áp dụng đa chiều. Dù có tăng lên thì chúng ta vẫn phải chuyển sang một hệ đo lường về đa chiều để giảm nghèo bảo đảm tính bền vững được.

 

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng cho người nghèo thay cho việc hỗ trợ cho không?


Trong các chính sách về giảm nghèo trong giai đoạn vừa rồi thì chính sách tín dụng là chính sách có hiệu quả. Vay vốn tín dụng được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Trong cả giai đoạn, nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ cho hơn 10 triệu hộ nghèo, trực tiếp giúp 2,4 triệu hộ thoát nghèo. Vì thế chúng tôi cho rằng trong giai đoạn tới thì chính sách tín dụng vẫn là một trong những chính sách trụ cột để giảm nghèo, vì ngoài hiệu quả trực tiếp thì cũng chống lại bệnh ỷ lại, tính thụ động. Khi vay vốn người dân phải suy nghĩ cách sử dụng vốn sao cho có hiệu quả. Còn khi cầm đồng tiền cho không cũng khác nên chúng tôi cho rằng tín dụng là một trong những chính sách chủ yếu giảm nghèo và trong dự thảo Nghị quyết chúng tôi cũng đề xuất là “tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo; tăng nguồn vốn để bảo đảm các hộ nghèo, cận nghèo đều có thể tiếp cận sử dụng nguồn vốn này”.


Xuân Cường (thực hiện)

Giảm nghèo bền vững bằng tiêu chí đa chiều
Giảm nghèo bền vững bằng tiêu chí đa chiều

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi về những giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN