Về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng có nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau. Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Trong khi đó vẫn có hàng chất lượng không tốt vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.
Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế- xã hội lần này.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn tại các chung cư mini đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, cần pháp có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục bất cập. Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, tình trạng xây dựng trái phép, có nhiều nguy cơ mất an toàn ở các chung cư mini hiện nay rất đáng báo động, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của người dân. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng biết sai phạm nhưng không xử lý, buông lỏng quản lý vẫn tồn tại trong nhiều năm qua cần phải xem xét lại. Đại biểu đề nghị cần phải nghiêm khắc trong vấn đề này.
Nêu ý kiến về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề nghị, đối với các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo ngay việc xây dựng dự thảo các nghị định từ bây giờ. “Vì luật thông qua nhưng còn thời gian chờ để có hiệu lực và ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, nhất là đối với Luật Đất đai”, đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục. Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh, tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn 64 nghìn chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu. Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo.
Tại phiên thảo luận chiều 1/11, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) nêu thực tế: Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nay tồn tại quá nhiều phần mềm, ứng dụng, quản lý được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể triển khai đến người dân. Một số phần mềm, ứng dụng trong quá trình triển khai vận hành chưa thật sự thông suốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước; chỉ đạo đánh giá về tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm, ứng dụng này; kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; chỉ đạo xây dựng một phần mềm ứng dụng thống nhất, có khả năng tích hợp tất cả những nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.
Quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị: “Cần có cơ chế đặc thù ưu tiên nguồn lực để đầu tư đột phá hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đảo”. Hiện nay, kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, cần đầu tư đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối bờ, biển, đảo như cảng biển, sân bay, đường bộ, điện lưới thông tin liên lạc...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải 2 nguyên nhân chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt được kết quả như mong muốn là do nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay do giảm đơn hàng và tình hình sản xuất. Một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện.
Liên quan đến kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật. Theo Bộ trưởng, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập là có nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, một số kiến nghị có phần chưa chính xác... Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định trong giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.