Phát triển kinh tế nông nghiệp là trụ cột vững chắc
Qua phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường, ông Lê Xuân Hà, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Phú Yên, vựa lúa lớn nhất của Nam Trung Bộ nhưng nông dân chưa được hưởng lợi nhiều vì chưa có đầu ra ổn định và chế biến sâu; vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún... Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên là một trong 10 Khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của cả nước. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư đối với các dự án lớn mang tính dẫn dắt vào Khu còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Xuân Hà nêu đề xuất, Chính phủ và Quốc hội xem xét, tiếp tục có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Vị trí, vai trò của nông dân cần được nâng cao để phát triển kinh tế nông nghiệp luôn là trụ cột vững chãi cho nền kinh tế ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tán đồng với ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và rác thải nhựa, ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trên lĩnh vực đầu tư xử lý rác thải, sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các chính sách đó bao gồm: Cơ chế vay vốn ưu đãi, cho thuê đất, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế...
Thực tiễn trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện chưa có nhà máy xử lý rác thải; một số dự án chỉ mới dừng lại ở chủ trương đầu tư. Trong khi đó, rác thải ở khu vực đô thị, khu vực ven biển và nuôi trồng thủy sản ngày càng nhiều. Theo thống kê, rác thải nhựa phát sinh hàng năm khoảng 2,9 triệu tấn và chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế. Rác thải đang là vấn nạn lớn đối với môi trường, đặc biệt là ở khu vực ven biển...
Theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Quốc hội cần tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư, duy trì và nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải có hiệu quả.
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Nội dung “Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng” được cử tri chú ý, quan tâm và đưa ra một số ý kiến về việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố.
Ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) cho hay, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng đã mang lại nhiều điểm tích cực, hiệu quả, giúp tiết kiệm ngân sách, chi phí. Đặc biệt, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, rút ngắn thời gian. Ngoài ra, tính chủ động, trách nhiệm Chủ tịch UBND phường được nâng cao; việc tập trung dân chủ trong hoạt động của chính quyền địa phương được thực hiện nghiêm túc.
Cụ thể, đa số kiến nghị của người dân được giải quyết trực tiếp trong các buổi đối thoại với Chủ tịch UBND phường. Việc công chứng giấy tờ, sao y bản chính được giao quyền cho nhân viên Tư pháp - Hộ tịch phường ký, không cần chờ lãnh đạo ký như trước đây, đã phần nào rút gọn quy trình, thủ tục; công tác luân chuyển, bổ nhiệm Chủ tịch UBND phường cũng ngắn gọn hơn, không cần thông qua Hội đồng nhân dân giới thiệu, bầu cử…
Đưa ra khó khăn trong quá trình thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ông Nguyễn Lâm Hà cho rằng, khi xảy ra các sự việc đột xuất như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… nếu muốn có nguồn kinh phí phải họp HĐND thành phố để thông qua, bổ sung cho các phường. Điều này gây khó khăn, ông Nguyễn Lâm Hà mong muốn, Quốc hội cho phép UBND thành phố có cơ chế dự phòng ngân sách cho các địa phương để chủ động trong tình huống đột xuất. Đối với lao động không chuyên trách ở cấp xã, phường, đề nghị Quốc hội cho phép HĐND thành phố được quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm phù hợp với điều kiện địa phương.
Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) Ngô Thanh Trà cho rằng, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã giảm bớt khâu trung gian trong quản lý nhà nước ở cơ sở và tiết kiệm được nguồn kinh phí rất lớn cho ngân sách nhà nước; tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quản lý điều hành của UBND phường và trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, công chức chuyên môn; tạo cơ chế xử lý công việc linh hoạt nhanh chóng, hiệu quả.
Theo ông Trà, bên cạnh những thuận lợi còn những khó khăn như việc xác định cấp phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương; công việc ở cấp phường rất nhiều, song số lao động hoạt động không chuyên trách ở phường còn ít, tuy vậy thu nhập không đảm bảo đời sống cho cán bộ phường… Ông Ngô Thanh Trà kiến nghị thành phố có cơ chế để phường chủ động nguồn tài chính, giải quyết kịp thời những phát sinh trong năm, nhất là phân cấp hỗ trợ, bổ sung nguồn tăng thu hàng năm cho phường.