Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trả lời chất vấn về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu, đất sản xuất, đất nông nghiệp cho người dân đến nay chưa hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Minh cho biết: Ngay sau các kỳ họp của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vấn đề này gặp những khó khăn, vướng mắc là một số khu vực các hộ đã ở ổn định nhưng thuộc đất quốc phòng, an ninh cần phải có văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mới có cơ sở thực hiện. Số gia đình cần cấp, diện tích cần đo đạc lớn, thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận nằm rải rác tại các xã, địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Nguồn gốc sử dụng đất của các hộ (trường hợp tồn đọng) rất phức tạp như tranh chấp, vi phạm hành lang các công trình công cộng; tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất ở không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nhưng không làm thủ tục đăng ký đất đai, lấn chiếm đất công, đất có nguồn gốc của nông, lâm trường, nguồn gốc an ninh, quốc phòng... làm cho công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ kéo dài…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Minh cho biết, nguyên nhân chủ quan của vấn đề này là do một số phòng, đơn vị chuyên môn các huyện, thành phố chưa quyết liệt trong hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; chưa thường xuyên đôn đốc các tổ công tác nên hoạt động hiệu quả chưa cao.Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng ở cấp huyện, cấp xã còn bộc lộ nhiều yếu kém, chế tài xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, một số bộ phận cán bộ chuyên môn cấp huyện, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều trường hợp đã có quy định cụ thể nhưng không giải quyết hoặc chờ cấp trên hướng dẫn, dẫn đến việc để tồn đọng lượng hồ chậm được giải quyết…
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do hệ thống văn bản mới thay đổi có nội dung chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Diện tích đất nhà nước giao cho các nông, lâm trường rất lớn với nhiều loại đất khác nhau. Việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây không cụ thể, không được đo đạc, xác định ranh giới trên thực địa. Việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc xác định ranh giới, phê duyệt quy hoạch và giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp nông, lâm nghiệp tốn nhiều thời gian, vướng mắc do lịch sử để lại và do thiếu kinh phí để thực hiện.
Các công ty nông, lâm nghiệp (trước đây là nông, lâm trường) quản lý sử dụng đất đai còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra việc thực hiện các hình thức khoán, thiếu đầu tư từ nông, lâm trường dẫn đến tình trạng nông, lâm trường mất dần khả năng quản lý đất đai được giao, được thuê, một số nơi còn để xảy ra tình trạng, bị lấn chiếm, tranh chấp. Nhận thức của người dân về chính sách pháp luật về đất đai còn hạn chế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Minh cho biết: UBND tỉnh Sơn La tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu; kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tại cơ sở. UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch theo thẩm quyền; trình HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa sang mục đích khác; bố trí kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thành phố để triển khai thực hiện. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức bàn giao, tiếp nhận diện tích đất các gia đình quân nhân đang sử dụng đã đưa ra khỏi quy hoạch đất Quốc phòng giao cho địa phương quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các hộ theo quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, lập phương án sử dụng đất, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phần đất các Công ty chuyển giao cho các huyện; tiến hành chỉ đạo việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện theo Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh.
Đến 10/7/2019, tỉnh Sơn La đã có 5/12 huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, các cụm dân cư 35 khu đất sang đất ở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; đã có 12/12 huyện, thành phố được UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Tổng số hộ cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sau khi đã rà soát loại bỏ những trường hợp không đủ điều kiện) là 47.800 hộ; trong đó, có 45.811 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận đạt 95,84% so với tổng số hộ cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu.
Giải quyết dứt điểm tình trạng xe vận tải hàng hóa quá tải lưu thông trên Quốc lộ 4G
Liên quan đến trách nhiệm trong xử lý xe vận tải hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên Quốc lộ 4G và phương án giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La Trịnh Xuân Hùng trả lời: Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 221/KH-UBND ngày 27/12/2018 về kiểm tra, xử lý vi phạm phương tiện chở hàng quá tải trọng, phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2019. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả kế hoạch.
Cùng với đó, Sở đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-SGTVT ngày 08/01/2019 về kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở hàng quá tải trọng, hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định năm 2019; chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại chân hàng, kho bãi, mỏ vật liệu lớn với 94 cá nhân, tổ chức doanh nghiệp do Quốc lộ 4G tập trung chủ yếu ở huyện Sông Mã); đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phù hiệu đối với phương tiện vận tải hàng hóa…
Tuy nhiên, việc xử lý xe vận tải hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên Quốc lộ 4G gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ UBND huyện, xã và các cơ quan, đơn vị chưa cao. Mỏ vật liệu lớn trên Quốc lộ 4G (chủ yếu là cát) tại khu vực xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chưa được cấp phép, chủ yếu khai thác nhỏ lẻ của hộ dân tại đây, gây khó khăn cho các đơn vị chức năng trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Các chủ xe, lái xe bất chấp pháp luật, vì lợi nhuận vẫn tìm đủ mọi cách trốn trách lực lượng chức năng; chây ỳ, chống đối, cố tình vi phạm gây mất trật tự an toàn giao thông nói chung, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hàng hóa, phá hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ trên Quốc lộ 4G.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra tải trọng của ngành; tăng cường tuyên truyền, ký cam kết từ chân hàng; phối hợp, chia sẻ thông tin về phương tiện quá tải cho lực lượng Công an xử lý.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La đề nghị Công an tỉnh chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ về xử lý phương tiện chở hàng quá tải. Các Sở (Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường) tổ chức kiểm tra việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các kho chưa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cũng cho rằng, để chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải trọng, gây hư hỏng nền mặt đường, gây mất an toàn giao thông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh nói chúng, Quốc lộ 4G nói riêng cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành trong tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm ổn định bền vững công tác vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh.