Sau hơn 4 tháng phát động, Giải đã nhận được 3.328 tác phẩm báo chí của 171 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, 7 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hội đồng chấm giải gồm các nhà báo uy tín, dày dặn kinh nghiệm, làm việc tích cực, công phu, công tâm, khách quan đã lựa chọn 67 tác phẩm xuất sắc để trao Giải. Cụ thể: 5 Giải A, 13 Giải B, 16 Giải C, 31 Giải Khuyến khích; 2 giải ngoài cơ cấu; không có Giải đặc biệt.
Tiếp thêm niềm tin vào công lý, vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải đánh giá, các tác phẩm tham dự Giải đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh sôi động, gần gũi và hấp dẫn về hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và đối ngoại. Vẫn là những quyết đáp ở tầm vĩ mô của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nhưng tất cả đều thấm đẫm hơi thở cuộc sống, bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống, phụng sự nhân dân.
Minh chứng đậm nét nhất cho những đổi mới, cải tiến của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua là đã chủ động, thích ứng linh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát bằng việc thực hiện 3 Nghị quyết, kết luận của Quốc hội về giám sát. Những đổi mới, cải tiến này đã được các phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Giải pháp nào nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội”. Tác phẩm xuất sắc đoạt Giải A hạng mục Báo điện tử.
Nhà báo Phạm Thị Hà (Thu Hà), đại diện nhóm tác giả cho biết, Quốc hội đã chọn những vấn đề “nóng” nhất, được cử tri và nhân dân quan tâm nhất để tiến hành giám sát tối cao. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, cách làm các hoạt động giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.
Nhóm tác giả đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, số liệu, phỏng vấn, bình luận, lắng nghe các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia cũng như một số người dân... góp ý kiến và có cái nhìn đa chiều hơn về những đổi mới mang tính lịch sử của Quốc hội. Loạt tác phẩm cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, rào cản cần khắc phục và có giải pháp kịp thời nhằm phát huy vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước; trong đó nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Người dân mong mỏi được nhìn thấy công lý được thực thi, những người bị oan sai được minh xét từ Quốc hội - Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Từ thực tế này, nhà báo Ngô Thị Kim Anh (Thông tấn xã Việt Nam) đã thực hiện chùm 5 bài viết nhằm làm rõ hơn hiệu quả công tác giám sát trong việc bảo vệ quyền công dân, cũng như những yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống oan sai hiện nay. Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về việc thực hiện pháp luật tại các cơ quan tư pháp, nhiều vụ án đã được đưa ra xem xét lại, nhiều bị can, bị cáo đã được minh oan, thoát khỏi cảnh tù tội, thậm chí cả án tử hình, để trở về với gia đình và xã hội. Tác phẩm đoạt giải C hạng mục Báo in - Phản ánh, phóng sự, điều tra, ký báo chí và phỏng vấn.
Theo nhà báo Kim Anh, chủ đề “Giám sát oan sai - Bảo vệ công lý và quyền con người” được bắt nguồn ý tưởng từ nội dung trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ: "Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm". Theo đó, công lý và quyền con người là những chủ thể đặc biệt được Đảng hướng tới và bảo vệ.
Chùm bài viết đã tìm hiểu nguyên nhân gây oan sai, phân tích hệ lụy việc oan sai gây ra những hoàn cảnh thương tâm, người bị tù tội, kẻ bị ly tán, đưa ra phân tích các biện pháp khắc phục tình trạng oan sai trong áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội, nêu cao trách nhiệm của những người tham gia tố tụng. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội như một "tấm khiên" bảo vệ quyền con người, quyền nhân thân. Hoạt động giám sát của Quốc hội trong oan sai nói riêng, trong giám sát pháp luật nói chung như một ngọn đèn để người dân soi chiếu, tin tưởng, gửi gắm và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó tiếp thêm cho họ niềm tin vào công lý, vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phản ứng kịp thời trước vấn đề cấp bách
“Phản ứng chính sách trước yêu cầu cấp bách” là câu chuyện của nhóm phóng viên Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam đề cập tình trạng các bệnh viện lớn đầu ngành của cả nước thiếu trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho sự sống của bệnh nhân. Tác phẩm đã xuất sắc đoạt Giải A hạng mục Giải Phát thanh.
Nhà báo Lê Thị Thu, Ban Thời sự (VOV1), đại diện nhóm tác giả chia sẻ, lãnh đạo các bệnh viện mong chờ một hành lang pháp lý chuẩn khơi thông điểm nghẽn, tháo gỡ các nút thắt, để các cơ sở y tế có thể tự tin đi trên hành lang đó và tự tin làm công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. "Câu chuyện khó khăn, vướng mắc thực tế của ngành y đã phản ánh những bất cập gì trong đề xuất, tham mưu, phản ứng chính sách và trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong những tình thế cấp bách từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống? Những khoảng trống pháp lý đã, đang và sẽ gây ra những hệ luỵ gì và làm thế nào để lấp đầy những khoảng trống đó? Đây là nội dung chúng tôi đề cập trong loạt bài", nhà báo Lê Thị Thu nhấn mạnh.
Cũng theo nhà báo, nhóm phóng viên Ban Thời sự VOV1 đã phối hợp triển khai loạt bài trong khoảng 2 tháng, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc; từ đó kiến nghị những giải pháp đến các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục vấn đề nảy sinh trong thực tế. Qua đó góp phần đồng hành cùng các cơ quan chức năng “phản ứng” kịp thời trước mỗi vấn đề cấp bách, đáp ứng mong mỏi và trông đợi của nhân dân.
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Việt Nam
Tại Giải Diên hồng lần thứ nhất, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giành 6 giải thưởng ở các hạng mục: Báo in - Phản ánh, phóng sự, điều tra, ký báo chí và phỏng vấn; Báo điện tử; Truyền hình; Ảnh báo chí. Bên cạnh đó, TTXVN còn đoạt một giải ngoài cơ cấu cho sản phẩm đa phương tiện xuất sắc: Trang thông tin đặc biệt về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi nhận giải B Giải Ảnh báo chí với tác phẩm "Hòm phiếu lưu động", nhà báo Bùi Cương Quyết (Minh Quyết) cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, được phân công theo dõi mảng y tế và được cử là một trong những phóng viên mũi nhọn chuyên theo dõi về dịch, anh thường xuyên có mặt tại các điểm "nóng" để kịp thời ghi lại những hình ảnh, thông tin chính xác đồng thời cũng chứng kiến sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ; những khó khăn tại các khu cách ly…
Đặc biệt, để lại ấn tượng nhất trong anh là tuyến thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.
Sau khi được lãnh đạo giao làm tuyến thông tin về cử tri là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân bỏ phiếu trong bệnh viện, nhà báo Bùi Cương Quyết đã liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai để tác nghiệp. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện và tổ bầu cử thuộc phường Bạch Mai, anh đã chụp được hình ảnh các cử tri là cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Đặc biệt, trường hợp các bệnh nhân nặng đang điều trị được tổ bầu cử cơ sở bố trí hòm phiếu lưu động đến phòng bệnh nhân, nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân. Tác phẩm không chỉ truyền tải được ý nghĩa sâu sắc của cuộc bầu cử mang tính lịch sử diễn ra trong thời khắc khó khăn chưa từng có của đại dịch COVID -19 mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Việt Nam, sức sống Việt Nam.
Bên cạnh các tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhiều tác phẩm dự Giải còn đề cập đến những vấn đề nóng hổi của cuộc sống và các quyết sách kịp thời, đặc biệt, chưa từng có tiền lệ của Quốc hội nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cấp bách của nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế.
Trong đó, không thể không nhắc tới chùm bài “Quả ngọt” năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn”, nhóm phóng viên báo điện tử của VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), đoạt giải B Giải Báo Điện tử Giải Diên hồng lần thứ nhất.
Nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Bình, đại diện nhóm tác giả cho biết, đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn gây nên những “vết cắt chí mạng” cho kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển của Việt Nam.
Trong khó khăn, bản lĩnh được thể hiện. Với sự dẫn dắt của Đảng, một Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân cùng sự điều hành linh hoạt và trách nhiệm của Chính phủ, hàng loạt quyết sách được nhanh chóng ban hành và khẩn trương đi vào đời sống, hóa giải những tác động của đại dịch, mang lại những kết quả to lớn cả về kinh tế, xã hội và phòng chống dịch.
Và trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời đã “thổi một luồng sinh khí mới,” tiếp thêm sức mạnh để Chính phủ hiện thực hóa những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Việc ban hành Nghị quyết này là sự nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất của Quốc hội dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đó là làm sao mọi chính sách của Đảng và Nhà nước phát huy được hiệu quả, đi thẳng vào hỗ trợ “túi tiền” của doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Bình nhấn mạnh, với chùm bài, nhóm phóng viên báo điện tử của VietnamPlus mong muốn đưa đến với bạn đọc những góc nhìn thực tiễn thể hiểu rõ hơn về “sáng kiến” mang tên Nghị quyết 43 cũng như quá trình triển khai thực hiện rất quyết liệt, tích cực, chủ động và sáng tạo từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống, xã hội.
Bài viết một lần nữa khẳng định Nghị quyết 43 của Quốc hội với những giải pháp đúng, trúng và được ban hành kịp thời như một liều thuốc bổ đã giúp “khơi thông” toàn bộ nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực giúp thị trường khởi sắc sau một thời gian dài chịu dồn nén của đại dịch COVID-19. Chính sự nỗ lực của từng doanh nghiệp - những tế bào của nền kinh tế, đã giúp lan tỏa tác động của một quyết sách đúng đắn, góp phần không nhỏ vào việc hóa giải các thách thức, khó khăn, trở thành cơ hội cho nền kinh tế thích ứng linh hoạt và không ngừng tăng trưởng, phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự dấn thân cùng hiểu biết sâu sắc, toàn diện về tổ chức, hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, các nhà báo luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Quốc hội và nhân dân, tiếp tục đồng hành với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân để thực hiện hiệu quả sứ mệnh “phục vụ nhân dân”.