Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình "Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019" nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Chú thích ảnh
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dự và chủ trì buổi gặp mặt có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giáo sư, Viện sỹ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam . 

Tham dự cuộc gặp mặt có 100 đại biểu là các nhà trí thức, khoa học đã đạt các giải thưởng khoa học, công nghệ trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Kovalevskaia; các nhà giáo, nhà khoa học hoạt động trong khối viện, trường có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Quan tâm đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, khoa học

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chào mừng các đại biểu trí thức, các nhà khoa học tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước có mặt tại tại cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này. 

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định trong mọi thời đại, trí thức luôn là nên tảng của tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sáng tạo, truyền bá trí thức và xây dựng nền văn hiến dân tộc. Chính vì thế, trí thức luôn được người đương thời cũng như hậu thế kính trọng, tôn vinh.

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo kể từ 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, kinh tế- xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được bảo đảm, tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày một tăng lên, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đồng chí nhấn mạnh: có được thành tựu to lớn ngày hôm nay là công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, những người đã không quản ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn thử thách, luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. 

Khẳng định những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển đội ngũ trí thức đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, luôn quan tâm đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, khoa học. Nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ cán bộ khoa học được Đảng và Nhà nước ban hành, thực thi đem lại hiệu quả tốt, góp phần thu hút, bố trí, sử dụng trí thức trong đó có cả những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Đội ngũ trí thức, khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng sự phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn có những hạn chế. Sự phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn nhiều bất cập; vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đầy đủ; việc huy động tiềm năng của trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn thấp so với yêu cầu; vẫn còn một vài trí thức chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc. 

Khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển đất nước

Tại cuộc gặp mặt, các trí thức, nhà khoa học đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết. GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám Đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định khoa học và công nghệ có vai trò to lớn trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Để ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng và mong đợi của nhân dân, là đưa Việt Nam trở thành 10 nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị Nhà nước có chính sách cụ thể và khả thi trong đào tạo cán bộ khoa học công nghệ theo tinh thần thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp để có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp có đủ phẩm chất và năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhà nước cần có chính sách gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với khởi nghiệp, muốn vậy, rất cần nhà nước hỗ trợ thành lập Trung tâm ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp nông nghiệp ở tầm quốc gia và ở từng trường đại học- GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu rõ. Đồng thời cần xây dựng các chương trình khoa học công nghệ dài hạn phục vụ chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp, gắn với thị trường quốc tế, góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nông thôn...

Nhấn mạnh cần có chiến lược và quyết liệt thực hiện việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực 4.0, cụ thể là nhân lực cho công nghệ số, vật lý, khoa học công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đề xuất cần phải có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để giữ được lực lượng cán bộ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp (với chế độ trả công xứng đáng, có các yếu tố động viên). Đồng thời có cơ chế để khơi dậy niềm đam mê học khoa học công nghệ cho học sinh phổ thông, giúp các thế hệ sau tiếp tục học để làm khoa học công nghệ trong tương lai; đẩy mạnh sự hội nhập, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, là một nước đi sau với nguồn lực hạn hẹp, Việt Nam cần dựa vào nhân tố con người như một lợi thế cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Để phát huy được nguồn vốn trí tuệ đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hiểu rằng cần tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo thực sự mạnh ở trong nước, kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và cơ hội nghề nghiệp, sinh sống thuận lợi cho nhà khoa học và gia đình họ. Việc đảm bảo một môi trường trân trọng tri thức và sự sáng tạo, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; văn hóa chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ những rào cản hành chính trong quản lý, nghiên cứu cũng góp phần quan trọng khuyến khích các tài năng khoa học dấn thân trên con đường học thuật đầy trông gai để phụng sự đất nước.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước mong muốn đội ngũ trí thức Việt Nam tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ của mình để góp phần xây dựng đất nước phát triển, phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đây cũng là niềm tự hào của mỗi người dân, đất nước Việt Nam: “Các đại biểu trong buổi gặp mặt hôm nay chính là một phần hiền tài của đất nước". Nhấn mạnh chủ trương “Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, nhưng trên tinh thần nhìn nhận cầu thị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng, nhiều nơi, nhiều lúc trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự như vậy, trong quá trình thực hiện chưa được như mong muốn.

Khẳng định coi khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định của sự phát triển của mỗi đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, với sự góp ý của các nhà trí thức, khoa học, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu để đưa “khâu đột phá trong khoa học và công nghệ” vào văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong chỉ đạo điều hành cần theo tinh thần "nói đi đôi với làm" và kỷ cương, làm sao để khoa học và giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng tinh thần. “Không để sức ép về tăng trưởng kinh tế, những mục tiêu ngắn hạn trước mắt, các khó khăn chung của các nước đang phát triển lấn át mục tiêu dài hạn, những yếu tố có tính nền tảng. Điều này phải được thể hiện qua các cơ chế, chính sách. Bao trùm nhất là phải làm sao để các cơ chế, chính sách phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phải khơi dậy được sự sáng tạo của tất cả mọi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ trí thức và các nhà khoa học"- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, đã có một bước đổi mới nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà khoa học. Song song với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế tự chủ trong các trường đại học, biến các trường đại học thực sự là các trung tâm nghiên cứu lớn, không chỉ riêng các viện nghiên cứu của các bộ, ngành; tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế liên quan đến đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho các nhà trí thức và nhà khoa học...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Thủ tướng: Phát huy tốt nhất tiềm năng của đội ngũ trí thức để nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia
Thủ tướng: Phát huy tốt nhất tiềm năng của đội ngũ trí thức để nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia

Trong không khí vui tươi đầm ấm, chuẩn bị đón Tết, mừng Đảng, mừng xuân, sáng 29/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, chúc Tết 300 đại biểu trí thức, nhà khoa học, đại diện cho các trí thức, nhà khoa học cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN