Bên lề Diễn đàn, nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề trọng tâm của tiểu vùng Mekong đã được các đại biểu đề cập đến.
Thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Diễn đàn là hoạt động đầu tiên của ASEAN bàn về quá trình phát triển của tiểu vùng, đặc biệt là tiểu vùng Mekong.
"ASEAN đang vươn lên và đóng vai trò trung tâm quan trọng của khu vực. Do vậy, ASEAN không thể bỏ qua các tiểu vùng trong khu vực của mình; đồng thời mong muốn gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mekong với các chương trình, kế hoạch phát triển của ASEAN. Diễn đàn được tổ chức nhằm bàn thảo các biện pháp, cách thức tạo sự hài hòa, gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mekong với ASEAN cũng như các tiểu vùng khác. Từ đó đóng góp vào mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vững mạnh, sánh vai với các khu vực khác trên thế giới", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Nêu một số giải pháp thúc đẩy sự phối hợp bổ trợ và liên kết giữa các hành lang kinh tế của các tiểu vùng trong ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, các tiểu vùng đã có những kế hoạch, nguồn lực. Vấn đề là việc phối hợp các kế hoạch, nguồn lực để trở thành những chương trình cộng hưởng và tạo được các hành lang kinh tế phụ trợ lẫn nhau, từ đó đạt được những kết quả hiệu quả cao hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các hành lang đã có nhưng muốn được thông suốt, các bên cần phối hợp lẫn nhau về chính sách, cơ chế xử lý các vấn đề ở cửa khẩu. ASEAN đã có những thỏa thuận về qua lại biên giới ở các nước ASEAN, tuy nhiên, các thành viên cần cụ thể hóa thỏa thuận này vào từng chính sách, biện pháp của quốc gia để thủ tục, quy trình tại cửa khẩu được thông suốt hơn.
Đề cập đến vấn đề quản lý nguồn nước ở tiểu vùng Mekong, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Diễn đàn ASEAN về hợp tác tiểu vùng Mekong là hoạt động đầu tiên của ASEAN về vấn đề này. Đây cũng là sáng kiến của Việt Nam nhằm gắn kết và tìm được những biện pháp cụ thể đối với việc thực thi các chương trình của ASEAN cũng như các chương trình của Mekong.
“Về nguồn nước, chúng ta đã có Ủy hội sông Mekong về quản lý nguồn nước. Các nước trong tiểu vùng cũng đang bàn về vấn đề nguồn nước và hiện nay đã có những quy định, cơ chế phối hợp, hợp tác trên nguồn nước. Theo đó, các bên muốn sử dụng nguồn nước phải có sự tham vấn trao đổi, xin ý kiến của các quốc gia dọc sông Mekong”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.
Thách thức và cơ hội với tiểu vùng Mekong
Đánh giá về quá trình gắn kết, bổ trợ, hợp tác giữa các tiểu vùng với ASEAN để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: ASEAN thu hút sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á, bao gồm 5 nước ở hải đảo và 5 nước ở lục địa. Trong ASEAN, các tiểu khu vực, trong đó có tiểu vùng Mekong hay tiểu vùng BIMP-EAGA (Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN gồm Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines), là những “hòn đá tảng” để xây dựng thành một ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN.
Tiểu vùng phát triển vững mạnh sẽ đóng góp rất tích cực cho toàn bộ Cộng đồng ASEAN. Mỗi tiểu vùng có sự năng động riêng. Ở tiểu vùng Mekong đã chứng kiến nhiều tiến trình hợp tác như: Các nước trong khu vực hợp tác với nhau, các nước trong khu vực hợp tác với các nước đối tác và tạo ra những dự án mới. Quá trình phát triển trong tiểu vùng Mekong cũng tạo ra những đặc thù về thách thức, cơ hội. Theo đó, cơ hội là các nước đều mong muốn xây dựng và phát triển bền vững khu vực tiểu vùng Mekong. Thách thức là, làm sao có thể sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước, vấn đề an ninh nguồn nước.
Do đó, các nước dọc sông Mekong cần có sự phối hợp với nhau. Những nước ở thượng nguồn và hạ nguồn phải chú ý đến lợi ích của nhau, đặc biệt là vấn đề quản lý thông qua sự phối hợp lẫn nhau. Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng cho khu vực này rất quan trọng; trong đó có sự kết hợp nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển chung của khu vực.
Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, quá trình phát triển của khu vực phải đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước, phát triển bền vững. Việc duy trì giá trị văn hóa, xã hội của cư dân trong tiểu vùng Mekong, về đa dạng sinh học, bảo đảm về mặt kinh tế - xã hội cũng là những vấn đề cần được chú trọng.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định thêm, các nước thành viên tiểu vùng Mekong cần phối hợp được những cơ chế hợp tác khác nhau ở tiểu vùng nhằm đạt được mục tiêu chung, vừa phát triển bền vững, vừa bảo đảm an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực; gắn kết những mục tiêu của từng tiểu vùng và chia sẻ kinh nghiệm giữa Mekong và các tiểu vùng khác trong ASEAN để có đóng góp tốt hơn vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung.
Đánh giá về hành trình kết nối trong tiểu vùng Mekong, ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: Các chương trình tiểu vùng trong khuôn khổ ASEAN cần được kết nối tốt hơn. Đối với ADB, đơn vị này đã triển khai công việc trực tiếp trong khuôn khổ ASEAN và tiểu vùng Mekong; thực hiện các dự án xuyên biên giới nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa hai quốc gia; triển khai các dự án trong nước giúp tăng cường năng lực kết nối với những quốc gia khác.
Ông Keiju Mitsuhashi cho biết: ADB đã phát triển các hành lang giao thông là các hạ tầng cứng trước, sau đó chuyển sang hạ tầng mềm - cơ sở thương mại nhằm cải thiện sự hài hòa trong các quy tắc giữa các bên. Từ đó, người dân được hưởng lợi ích từ thương mại; việc đi lại cũng dễ dàng hơn. Tiếp sau đó, ADB hướng tới việc phát triển kinh doanh công nghiệp nhằm tạo hiệu quả hơn nữa cho các hành lang kinh tế.
Cũng theo ông Keiju Mitsuhashi, kết nối kỹ thuật số trong khu vực ngày càng gia tăng vai trò. Nhiều ý kiến cho rằng, việc liên kết vẫn nên dựa vào các tuyến đường sắt, đường bộ. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch COVID-19, kết nối kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng và có khả năng thay thế các phương tiện liên kết cụ thể.
Cho biết về hướng hợp tác của ADB với tiểu vùng Mekong, ông Keiju Mitsuhashi nhận xét: Hiện nay, ADB đã và đang hợp tác chặt chẽ với tiểu vùng Mekong, bắt đầu từ những dự án nhỏ, sau đó đưa ra các ví dụ thực tế để hiểu những công việc có thể được thực hiện và mở rộng.
Khẳng định sự phát triển của khu vực sông Mekong gắn bó mật thiết với sự thịnh vượng chung của ASEAN, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất thành công về sự phát triển các tiểu vùng sông Mekong.”
Theo bà Wiesen, cái nhìn tiệm cận vào việc hợp tác và phát triển khu vực sông Mekong là một phần quan trọng của hội nghị. Nó bao gồm cả những thách thức và cơ hội.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của Việt Nam. “Tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời khi Viêt Nam là nước chủ trì hội nghị này, chúng tôi tự hào được đồng hành với chính phủ Việt Nam với tư cách UNDP và Liên hợp quốc.”
Nhấn mạnh quản lý, bảo vệ nguồn nước, chống hạn hán, xâm nhập mặn là những thách thức hàng đầu mà các nước trong tiểu vùng phải đối mặt, bà Wiesen cho rằng: “Chúng ta không chỉ nhìn vào lượng mưa, mực nước sông mà còn cần chú ý đến việc bảo về nguồn nước. Khu vực này thực sự cần đến công nghệ để giúp cho việc quản lý và giám sát tốt hơn nguồn nước”.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, bà Wiesen cho rằng, các chính phủ trong tiểu vùng cần phải là trung tâm của quá trình chuyển đổi chính sách, hướng đến hợp tác công khai và rõ ràng giữa các nước trong khu vực ASEAN trong phát triển các tiểu vùng.