Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Ấn Độ Harish Parvathaneni . Ảnh: TTXVN |
Trong quá trình giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập của hai nước, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời Việt Nam-Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền tảng, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp trong giai đoạn thống nhất và phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.
Năm 2017, hai nước chúng ta kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ((7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017). Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 9/2016, hai bên đã thực hiện một bước tiến lịch sử, nâng mối quan hệ của hai nước lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, một minh chứng rõ ràng về tình hữu nghị truyền thống lâu dài Việt Nam-Ấn Độ.
Trong những năm gần đây lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau, bao gồm cả ở cấp cao nhất. Chúng tôi vui mừng nhận thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và hai cơ quan lập pháp. Hai bên cũng đã thành lập các cơ chế hợp tác song phương. Quan hệ giữa hai nước được đánh dấu bằng sự tin tưởng mạnh mẽ, hiểu biết lẫn nhau và cùng quan điểm đối với các vấn đề quốc tế, vấn đề về an ninh khu vực châu Á. Quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan lập pháp và nhân dân hai nước đang hết sức tốt đẹp. Chúng tôi cam kết sẽ đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ lên một tầm cao mới.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta đã nhấn mạnh, tăng cường hợp tác kinh tế song phương là mục tiêu chiến lược. Thương mại song phương đang tăng trưởng với tốc độ đáng kể, hiện ở mức 8 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu và cùng cam kết đến năm 2020 tăng trưởng thương mại sẽ đạt 15 tỷ USD. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đang ngày càng tăng, hiện ở mức hơn 1,2 tỷ USD và sẽ tăng gấp ba trong vài năm tới khi một số dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng đi vào hoạt động hiệu quả. Ấn Độ đã xác định các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam đó là: Điện khí hóa, điện, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, dược phẩm và các dịch vụ y tế, công nghệ thông tin, điện tử, các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, thiết bị máy móc và một số ngành công nghiệp phụ trợ.
Đại sứ có thể cho biết Việt Nam có vị trí như thế nào trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ?Năm 2017, cũng đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 quan hệ đối thoại Ấn Độ-ASEAN. Kể từ năm 1992, Ấn Độ đã là một đối tác đối thoại của ASEAN và trở thành đối tác chiến lược vào năm 2012. Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ. Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ được hình thành nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước láng giềng khu vực Đông Á. Trong chính sách đối ngoại, Ấn Độ đã đưa ra ưu tiên đối với những quốc gia này.
Chính sách hành động hướng Đông đã vượt ra ngoài mô hình truyền thống và nhằm mục đích thiết lập quan hệ hợp tác với các nước láng giềng phía Đông trên các lĩnh vực an ninh, chiến lược, chính trị, chống khủng bố, quốc phòng bên cạnh hợp tác về kinh tế. Việt Nam là một thành viên chủ chốt của ASEAN và đóng một vai trò quan trọng trong Chính sách hành động hướng Đông của chúng tôi. Việt Nam là Điều phối viên của ASEAN trong quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ từ năm 2015-2018. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Ấn Độ đã cam kết gói tín dụng trị giá 1 tỷ USD để tăng cường kết nối kỹ thuật số giữa Ấn Độ và ASEAN. Chúng tôi cũng chú trọng trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và tiến tới ủng hộ đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Đại sứ, trong thời gian tới, hai bên cần có những biện pháp gì để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ?Việc nâng quan hệ hai nước từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện là một minh chứng rõ ràng cho sự tín nhiệm, tin tưởng và tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ. Điều này cũng khẳng định mối quan hệ song phương trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và mong muốn chung của hai nước đóng góp cho một khu vực thịnh vượng, hợp tác, ổn định và hòa bình.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước bao gồm nhiều lĩnh vực như: Hợp tác phát triển, trao đổi chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác kinh tế và thương mại, trao đổi văn hóa, cung cấp các suất học bổng và hỗ trợ phát triển chính thức. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang rất sôi động. Để tận dụng tối đa tiềm năng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này, hai nước cần thực hiện rất nhiều việc.
Theo đó, hai bên cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 15 tỷ USD thông qua trao đổi thương mại và công nghiệp ở cấp Chính phủ và doanh nghiệp; loại bỏ các rào cản đối với lĩnh vực thương mại hai nước; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên đã được lãnh đạo cấp cao hai nước xác định. Hai nước tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2016 đã công bố khoản viện trợ quốc phòng dành cho Việt Nam trị giá 500 triệu USD nhằm hợp tác ngành công nghiệp quốc phòng sâu rộng hơn. Năm 2017, dự kiến Hãng hàng không Vietjet Air sẽ bắt đầu có đường bay trực tiếp đến Ấn Độ. Liên kết lĩnh vực ngân hàng và tài chính cũng đang được tăng cường, tạo điều kiện hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Năm 2016, Chi nhánh Ngân hàng Ấn Độ đã được mở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1/2017 này, Ngân hàng Ấn Độ cũng nhận được giấy phép hoạt động ngoại hối quốc tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động tại Việt Nam.
Ấn Độ có một danh mục đầu tư rất tích cực đối với Việt Nam bao gồm: Xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin, đào tạo Anh ngữ, phát triển khối doanh nghiệp, tính toán hiệu năng và một số lĩnh vực khác của ngành khoa học và công nghệ. Hai nước cũng hợp tác trong sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình. Một Hiệp định khung về vấn đề này đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Ấn Độ vào tháng 12/2016. Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác với nhau trong lĩnh vực thăm dò ngoài không gian vì mục đích hòa bình. Hai nước đã ký Hiệp định khung về vấn đề này trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam tháng 9/2016.
Hai nước cũng cần tăng cường hơn nữa trong giao lưu nhân dân nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch và giao lưu văn hóa. Để đạt được điều này hai nước cần có kế hoạch trao đổi văn hóa nhiều hơn. Trung tâm Văn hóa Ấn Độ vừa được thành lập tại Hà Nội sẽ tạo điều kiện để nhân dân Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với những thông tin về du lịch và văn hóa Ấn Độ. Thư viện tại Trung tâm được mở cửa cho công chúng tiếp cận với lượng lớn sách văn học của Ấn Độ. Chúng tôi cũng có dự định tổ chức triển lãm và sự kiện tại Trung tâm này trong thời gian tới.
Đại sứ quán Ấn Độ cũng cung cấp nhiều học bổng cho các công dân Việt Nam, đặc biệt là theo Chương trình hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC). Hiện nay, 150 suất học bổng ITEC đang đượng cũng cấp cho Việt Nam hàng năm cùng với 16 suất học bổng theo Đề án học bổng văn hóa chung, 14 học bổng theo Chương trình trao đổi giáo dục (EEP) và 10 học bổng theo chương trình hợp tác Mê Công - Ganga.
Với cách tiếp cận hợp tác đa dạng như vậy, hai nước sẽ hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và đem lại lợi ích cho đất nước, nhân dân Việt Nam-Ấn Độ.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.