Nhiều điểm sáng
Theo đánh của nhiều đại biểu Quốc hội, thế giới đang thay đổi nhanh, căn bản, toàn diện, sâu sắc, nhưng phức tạp, khó lường, khó dự báo trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội, an ninh khu vực và toàn cầu. Điều này tác động không nhỏ tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, qua đó giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành có tính quyết định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, hạn chế thương mại ở mức hợp lý…
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu là một trong 3 chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tiếp đã phục hồi từ cuối năm 2023, có sự bứt tốc ngay từ đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD)... Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Theo kịch bản của Chính phủ đề ra từ đầu năm, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 6 - 6,5%. Trong đó, quý I/2024 có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đánh giá, tình hình phát triển kinh tế năm 2024 có 5 điểm tích cực, khi nền kinh tế đất nước duy trì được đà tăng trưởng năm 2023 tiếp nối sang những tháng đầu năm 2024; tín hiệu tốt hơn về xuất nhập khẩu đã tương đương với giai đoạn trước dịch COVID-19; đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng; giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm khá tốt; nợ công giảm thấp so với năm 2023... Từ những điểm tích cực này, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024.
Nỗ lực phấn đấu đảm bảo tăng trưởng kinh tế
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, Chính phủ đã điều hành quyết liệt để giải quyết được các nút thắt ở các vùng miền trên cả nước. Trong 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 công điện, 12 chỉ thị trên nhiều lĩnh vực; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 60 cuộc làm việc với các địa phương và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia...
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 145 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 61 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 179 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư…
Nhìn vào diễn biến của nền kinh tế trong những tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế khẳng định, chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từng bước phát huy hiệu quả.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên), trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như: Hydrogen, vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số quốc gia… Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ sự ấn tượng về tinh thần làm việc của Chính phủ với các dự án quan trọng, công trình trọng điểm của quốc gia. Kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I năm nay, để tốc độ tăng GDP cả năm đạt 6% trở lên, tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,2%. Đây là mức tăng không dễ đạt được, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu lớn trong tăng trưởng kinh tế.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa, nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế, bởi các chính sách giảm thuế đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế…