Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần bao quát vấn đề bức xúc của xã hội

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp và dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (khai mạc vào tháng 5/2019). Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, bởi giáo dục là lĩnh vực quan trọng, tác động thiết thân tới toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Tham gia góp ý, phản biện dự thảo luật, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng dự thảo lần này có nhiều sửa đổi tích cực, hợp lý hơn trước; tuy nhiên, dự án Luật chưa thể hiện rõ tính đặc thù của lĩnh vực giáo dục, cần làm rõ hơn nội dung này. Ông Khang đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung về những điều mà dư luận đang rất quan tâm, như: giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính. Theo đó, ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay, tương tự như công an, quân đội được tự chủ tuyển dụng. Tự chủ về tài chính nghĩa là ngân sách đầu tư thẳng cho giáo dục, không phụ thuộc Bộ Tài chính.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, giáo dục đang được cả xã hội quan tâm, nên các vấn đề trong dự thảo Luật cần rõ ràng, có tiêu chuẩn của cán bộ quản lý và quyền hạn trách nhiệm của họ; tiêu chuẩn giáo viên. Thể hiện sự đau lòng về một số vụ gian lận thi cử thời gian qua, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nêu rõ: Dự thảo Luật cần ghi rõ cán bộ quản lý giáo dục quyền được làm gì? trách nhiệm đến đâu? tiêu chuẩn tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục?.

“Bộ máy cái của ngành giáo dục phải là những người có phẩm chất, có trình độ, không để như vừa qua. Không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La... Tiêu chuẩn giáo viên cũng phải rõ, kể cả tiêu chuẩn về ngoại ngữ, để có cơ sở bảo vệ nhà giáo. Tiêu chuẩn nhà giáo có thể khắt khe nhưng sẽ bảo vệ được họ - Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nói.

Cùng quan điểm, Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục là Luật "Mẹ", nên phải bao quát đủ các vấn đề, điều chỉnh được những vấn đề mà dư luận đang bức xúc như bạo lực học đường, gian lận thi cử. Đặc biệt, phải làm rõ vai trò chủ thể của gia đình trong các hoạt động giáo dục.

Quan tâm đến sách giáo khoa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường thể hiện sự băn khoăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa rất dễ lộn xộn, lúng túng trong lựa chọn. Giáo dục cần được giảm tải, không để nặng về kiến thức hàn lâm như hiện nay.

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ việc hỗ trợ đóng học phí đối với người học diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; bao quát nhiều vấn đề đang là nỗi bức xúc hiện nay của xã hội như thực phẩm bẩn vào trường học, bạo lực học đường với thầy cô và học sinh, gian lận thi cử... Cần có chế tài, xử nghiêm những trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để nâng điểm, nâng hạnh kiểm...

Phúc Hằng (TTXVN)
Chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trình Quốc hội trong tháng 5/2019
Chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trình Quốc hội trong tháng 5/2019

Theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được hoàn tất chỉnh lý để trình Quốc hội ngay trong tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN