Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26 và Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GD&ĐTđã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về một số nội dung của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) đã tổng hợp góp ý từ các Sở GD&ĐT về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo tổng hợp này, đã có 51 Sở GD&ĐT có ý kiến, với số lượng gần 800.000 phiếu.
Trong đó, theo ông Nguyễn Đức Cường - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), những vấn đề nổi bật tiếp thu và tiếp tục xin ý kiến để chính lý bao gồm: Quy định triết lý giáo dục; quy định về hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; đầu tư giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước; quy định trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí hay các vấn đề xoay quanh xã hội hóa giáo dục; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp...
Tại các cuộc tọa đàm về một số nội dung của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), các chuyên gia cho ý kiến về những vấn đề “nóng” khi sửa Luật Giáo dục.
Bàn về vấn đề Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định chuẩn trình độ đào tạo, mà không quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo; nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm... ông Lê Công Lương, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhiều nước ưu tiên số 1 việc thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm bằng chính sách đãi ngộ, tiền lương cao sau khi ra trường. Khi giải quyết được vấn đề tiền lương, chế độ chính sách tốt, thì không cần làm gì cũng thu hút được người giỏi. Bên cạnh đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải đồng bộ được 3 vấn đề: Đào tạo, sử dụng chọn lọc giáo viên và chính sách tôn vinh, đãi ngộ tốt.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết quan tâm đến vấn đề tự chủ trong trường THPT và cần có trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong tương lai. " Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã thừa nhận quyền tự chủ của các trường đại học, nhưng lại hạn chế quyền này ở bậc THPT. Khi được giao quyền tự chủ, các trường mới có đất để sáng tạo và cũng tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Còn nếu hạn chế điều này là đi ngược với thực tế và các trường sẽ đi thụt lùi so với hiện nay”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Góp ý xây dựng luật, không ít học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nêu lên những suy nghĩ nghiêm túc và liên quan trực tiếp tới học trò. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề bình đẳng giới. Các em học sinh cho rằng, cần sửa đổi các hình ảnh trong sách giáo khoa. Đơn cử, khi nói về nghề nghiệp ở sách Tự nhiên xã hội lớp 1, nam giới luôn được xếp vào các ngành bác sĩ, cảnh sát, luật sư, kĩ sư, còn nữ giới được giới thiệu làm nội trợ, nông nghiệp, nhân viên, y tá. Các danh nhân thế giới được đưa vào sách giáo khoa cũng phần nhiều là nam, không phải nữ. Tương tự sách Đạo đức, Giáo dục công dân khi ví dụ học sinh nghịch ngợm, sách đưa hình ảnh các bạn trai, trong khi thực tế không phải bạn nam nào cũng nghịch và bạn nữ nào cũng ngoan. Định kiến trong sách và suy nghĩ của nhiều người khiến các bạn nữ đến độ tuổi nào đó sẽ khép mình lại, hạn chế khám phá, để đúng với chuẩn mực xã hội đặt ra cho giới mình...
Ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến và hoàn tất chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội ngay trong tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).