Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo yêu cầu phù hợp với tình hình thực tế và tính khả thi.

Đó là ý kiến chung được đưa ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Dự thảo Luật), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/9.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều nhất trí về tầm quan trọng của việc cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về quản lý nhà nước cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, người dân về các vấn đề môi trường.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật bảo vệ môi trường liên quan đến các vấn đề mang tính khoa học và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy cần được nghiên cứu cẩn thận, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính khả thi khi đưa ra thực hiện.

Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung, chỉnh sửa, chuyển đổi các nội dung mang tính khái niệm, giải thích từ ngữ được sử dụng trong Dự thảo Luật. Ông Nguyễn Kỳ Phùng, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn định nghĩa về quy hoạch môi trường; sự cố môi trường cần tách rõ sự cố do thiên nhiên, sự cố do con người để thuận tiện cho quá trình quản lý, xử lý hậu quả.  

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố, cần mở rộng giải thích từ ngữ như làm rõ thêm về thị trường phát thải, kinh tế xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam...

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố đề nghị bổ sung vào Điều 3 khái niệm “hạn ngạch xả nước thải”. Ông Võ Ngọc Nam, đại diện Sở Tư pháp Thành phố cho rằng cần bổ sung khái niệm về phế thải trong điều 3; chuyển khoản 2, điều 4, nói về môi trường sang điều 3 và bỏ khoản 42 điều 3 vì khái niệm tầng ô zôn là một khái niệm khoa học phổ quát, không cần thiết đưa vào luật…

Các đại biểu cơ bản nhất trí với việc quy định cấp phép môi trường sẽ dùng phương án sử dụng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đồng thời, cần quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi, phải có các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

Ông Huỳnh Cảnh Dương, Chi cục Bảo vệ Môi trường Thành phố cho rằng việc áp dụng một loại giấy phép là phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời với việc áp dụng phương án cấp giấy phép này, cần đề nghị sửa đổi Luật Thủy lợi cho phù hợp, đồng bộ. 

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những điều luật liên quan về quản lý, thu gom, xử lý, chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, bởi đây là một trong những vấn đề được cử tri, người dân rất quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng những quy định về bắt buộc phân loại rác thải rắn sinh hoạt là cần thiết, nhưng cần có những biện pháp tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bên cạnh đó, cần có những chính sách tài chính hỗ trợ các gia đình hoặc người trong diện chính sách, trong việc nộp phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Tương tự, ông Trần Thanh Tùng, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Dự thảo Luật cần quy định bắt buộc trách nhiệm hộ gia đình sinh sống tại địa bàn có hệ thống thu gom rác thì phải trả phí thu gom rác.

Bà Phan Thị Việt Thu, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh góp ý cần có những quy định rõ ràng hơn để phân biệt giữa rác thải rắn phát sinh từ sinh hoạt và rác thải công nghiệp (tại các hộ sản xuất gia đình); sửa đổi các điều khoản có quy định mang tính định lượng và bổ sung việc xả rác ra đường phố vào nội hàm các hành vi bị nghiêm cấm …

Theo ông Ngô Công Hoàng, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nên sửa đổi trách nhiệm thẩm định, đánh giá ảnh hưởng, tác động của dự án đến môi trường thì giao cho UBND cấp tỉnh, vì những tác động, hậu quả môi trường do địa phương giải quyết. Việc giao cho địa phương các việc trên cũng là một biện pháp tránh tình trạng các bộ, ngành có thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bên cạnh đó, Dự luật cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước, đặc biệt của chính quyền địa phương đối với các hậu quả môi trường do không thích ứng với biến đổi khí hậu; bổ sung các quy định mang tính cụ thể hơn về cơ chế giải quyết tranh chấp, khởi kiện bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân do những sự cố môi trường do con người gây ra.

Trong khi đó, ông Hà Thanh Sơn, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố đề nghị bổ sung thêm nội dung UBND các cấp phải chịu trách nhiệm tổ chức thu gom, xử chất thải nhựa, chất thải rắn trên kênh rạch, ao hồ chứ không chỉ “trên sông, trên biển thuộc địa bàn quản lý”.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Dự thảo cần quy định rõ hơn về quy chuẩn diện tích cây xanh trong khu công nghiệp; có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, hướng dẫn cho phép khu công nghiệp tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. ..

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự nghiêm túc của các đại biểu đã đưa ra được rất nhiều vấn đề cần chỉnh sửa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết những bất cập của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu để góp ý tại Kỳ họp thứ X sắp tới.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014: Bài cuối - Điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014: Bài cuối - Điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN