Cùng với đó, có 31/39 quy hoạch ngành quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, dự kiến hoàn thành và phê duyệt trong năm 2021-2022. Hiện có 8/39 quy hoạch ngành quốc gia đã thẩm định xong và đang hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, dự kiến trong năm 2021; 1/39 quy hoạch ngành quốc gia chưa triển khai lập quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khối lượng công việc của Bộ về thực hiện các quy hoạch theo Luật Quy hoạch là rất lớn, độ phức tạp cao. Vì vậy, các cục, vụ chuyên môn tích cực phối hợp để triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, đối với các địa phương cũng đã có 58/63 quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; trong đó, có 2/63 quy hoạch tỉnh đã tổ chức thẩm định xong và đang hoàn thiện các thủ tục để trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh trong quý I/2021; 3/63 quy hoạch tỉnh gồm Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch, dự kiến trình phê duyệt trong năm 2021.
Về hướng dẫn triển khai lập quy hoạch, để tăng cường công tác quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưa trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ đã có văn bản số 373/BKHĐT-QLQH ngày 22/01/2021 hướng dẫn cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh và đang nghiên cứu soạn thảo văn bản hướng dẫn về nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một trong những nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.
Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Bên cạnh đó, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia...