Chất vấn – hoạt động giám sát đặc thù của cơ quan lập pháp tối cao, luôn là tâm điểm của nghị trường. Đây cũng là con đường thông bạch nhất, tường minh nhất để mỗi vị đại biểu của nhân dân truyền đạt một cách “nóng hổi” những lo toan, những nguyện vọng gắn với cuộc sống đời thường của cử tri đến từng bộ trưởng, trưởng ngành với mong muốn tìm nhận một câu trả lời, một “liều thuốc đặc trị”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/6. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Sôi động những câu chuyện từ cánh đồng đến mâm cơm, từ nỗi lo sỹ tử đến đổi mới cả nền giáo dục, từ cơ cấu nền kinh tế đến bậc thang phát triển của đất nước…. Như nhiều ý kiến đại biểu và cử tri đánh giá, phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn và cuốn hút hơn.
Dễ nhận thấy ở kỳ họp lần này, chủ đề chất vấn của Quốc hội rất phù hợp với bối cảnh những điểm cộm lên trong đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế của đất nước. Việc khưu trú vào chủ đề công, nông nghiệp; giáo dục, khoa học – những nội dung quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước để “hỏi và trả lời” cho thấy một sự lựa chọn đúng đắn của Quốc hội, nhằm thống nhất những biện pháp vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội trước mắt, vừa định hướng chiến lược lâu dài cho tương lai. Những chủ đề này cũng là những vấn đề liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của thành phần chiếm đại đa số người dân Việt Nam với trên 70% dân số - một chủ đề vì nước và vì dân.
* Hỏi thẳng-trả lời rõNhìn lại cả hai ngày rưỡi ngày chất vấn, đã có trên 130 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và khoảng trên 200 chất vấn đã được được trả lời, được thảo luận tại hội trường.
Nói như ông Vũ Mão, một đại biểu Quốc hội kỳ cựu, các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội ở phần chất vấn trong kỳ họp thứ 9 đa số đã đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng mất thời gian. Nhiều câu hỏi sắc sảo. Có những câu hỏi đạt tới tầm mang tính gợi mở cho những giải pháp khắc phục yếu kém, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Đối với người trả lời chất vấn, nắm vững các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Nhiều nội dung trình bày của bộ trưởng mang tính dẫn dắt, giúp cho Đại biểu Quốc hội và cử tri có thêm những thông tin, kiến thức quan trọng mà không dễ gì mà mọi người có thể tiếp cận được. Sự chân thành và tâm huyết của các Bộ trưởng cũng đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của người nghe.
Ngay từ trước câu hỏi đầu tiên, phần chất vấn khởi động với lời giao hẹn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Nhấn mạnh đến mục tiêu cao nhất của Quốc hội là bàn và giải quyết công việc của dân, hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề ngắn, gọn, rõ, không tự mình bình luận về câu hỏi của mình. Ông cũng không quên giao hẹn các vị Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề ngắn, rõ và đưa ra được kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, rõ ràng, có nhiệm vụ, có trách nhiệm, có thời gian để thực hiện.
Cho ý kiến nhận xét về phần chất vấn trong kỳ họp 9, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (TP Hà Nội) đặc biệt tâm đắc với phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục. Ông nói: “Bộ trưởng có nói một câu tôi cho là rất yên lòng người dân: Đổi mới nhưng không gây nên cơn sốc”. Nghĩa là đổi mới nhưng vẫn giữ lại những yếu tố làm người dân yên tâm. Tôi hy vọng, lần này sẽ đổi mới về phương pháp là chính, đồng thời cần đánh giá kết quả nên cân nhắc bảo đảm mặt bằng chung xã hội".
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nhận xét: “Kinh nghiệm trả lời của các Bộ trưởng sát hơn”. Vị đại biểu này đánh giá: “Tôi nhận thấy, các câu hỏi đại biểu chất vấn các bộ trưởng phần lớn đã lặp lại nhiều lần, kinh nghiệm trả lời của các bộ trưởng sát hơn, câu hỏi của đại biểu nêu ra gọn hơn, trả lời đúng trọng tâm hơn. Tất nhiên, có câu trả lời đại biểu chưa thỏa mãn, có câu trả lời cũng ở mức độ lời hứa”.
* “Đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện” Một trong những “màn đối đáp” tại lần chất vấn kỳ này mang lại nhiều cảm xúc cho cả cử tọa trên hội trường lẫn người dân theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình là phần chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) dẫn hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về hình ảnh: Một con gà “cõng” 14 loại phí, lệ phí kiểm dịch. Một câu chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng lại xâu chuỗi một vấn đề lớn về chính sách, pháp luật mà người dân đang phải đối mặt.
Sau phần trả lời đây là quy trình “đếm trứng thu phí” được pháp luật quy định chứ cơ quan chức năng không làm sai của bộ trưởng, ngay lập tức, người điều hành chất vấn - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi vặn: “Quy định đếm trứng và thu phí là do ai ban hành?” thì được giải thích do Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, Bộ Tài chính chấp thuận và ban hành.
"Hủy khoản đó đã, sau đó sẽ sửa đổi cả thông tư sau. Điểm nào không hợp lý thì Bộ trưởng phải hủy ngay"- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và chỉ đạo của ông, cũng ngay lập tức được triển khai tại chỗ với lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ đề nghị Bộ trưởng Tài chính ra thông báo dừng thi hành quy định này ngay từ tuần tới. Một màn chất vấn hiếm thấy với một vấn đề cụ thể, được giải quyết trực tiếp, ngay tại hội trường Quốc hội, đó cũng là điểm nhấn của phần chất vấn tại kỳ họp lần này.
Khi chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không quên giao hẹn tiếp: “Tôi đề nghị Bộ trưởng đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện".
Một minh chứng cụ thể nữa cho thấy tính hiệu quả rất lớn của hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là phản ứng tức thì của những “Tư lệnh lĩnh vực” đối với vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, chất vấn.
Ngay sau khi kết thúc phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, trưa cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng bàn hướng giải quyết trước phản ánh của đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, về tình trạng có hai trường đại học nhưng hơn một vạn học sinh phải vào Khánh Hòa để dự thi THPT quốc gia, gây tốn kém.
Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quyết định chuyển các thí sinh của các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu về các cụm thi tại tỉnh Bình Định. Các thí sinh ở các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Phú Yên vẫn dự thi tại cụm thi của tỉnh Khánh Hòa để tránh lãng phí tiền bạc, hạn chế di chuyển xa cho các em đúng như mong muốn của đại biểu Quốc hội.
Song do thời điểm ra quyết định cận ngày thi, nếu thay đổi sẽ khó đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi nên sau khi nhận được thông tin phản hồi từ địa phương và cha mẹ học sinh, bộ trưởng đã quyết định giữ nguyên các thí sinh này ở điểm thi Khánh Hòa để các em yên tâm chuẩn bị như ban đầu, sự thay đổi sẽ thực hiện từ lần thi tới.
Mặc dù phản ứng tức thì chưa thực sự hữu hiệu bởi lý do khách quan, nhưng sự việc này cũng khẳng định tinh thần trách nhiệm rất cao của người đứng đầu ngành giáo dục trước Quốc hội và nhân dân; đồng thời tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào, cử tri với hoạt động chất vấn của Quốc hội.
* Dấu ấn người điều hànhNhắc đến thành công của phần chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, không thể không kể đến vai trò và dấu ấn của chủ tọa – “người giữ nhịp” cho các câu hỏi, câu trả lời trước sự theo dõi của gần 500 vị đại biểu Quốc hội và trước đồng bào, cử tri cả nước. Dưới sự điều hành của ông, phiên chất vấn diễn ra chất lượng cao, trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.
"Chủ tịch Quốc hội điều khiển tốt. Kịp thời đưa người hỏi cũng như người trả lời đi vào quỹ đạo. Sau mỗi phần hỏi và trả lời của bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội có phần kết luận giàu tính tổng kết, toàn diện và sắc sảo, gợi mở cho các vị bộ trưởng. Vấn đề thì quan trọng và nóng bỏng, nhưng Chủ tịch Quốc hội điều hành sâu sắc mà nhẹ nhàng. Không khí Nghị trường vui vẻ". Ông Vũ Mão nhận xét như vậy về phần điều hành chất vấn vừa qua.
Như thường lệ, kết thúc từng phần chất vấn mỗi vị bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đều có đánh giá riêng. Ông theo dõi sát sao từng câu trả lời của mỗi bộ trưởng, không quên với mỗi câu hỏi dài, mỗi phần trả lời chưa đủ ý. Cách thức tóm lược ấy giúp đại biểu, cử tri cả nước hệ thống lại toàn bộ nội dung chất vấn, tiện theo dõi, dễ nhớ, dễ kiểm tra.
Đánh giá chung hơn hai ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những yếu kém trong lĩnh vực của mình và đưa ra được những giải pháp, quyết tâm để tổ chức thực hiện. “Đây chính là điều chúng ta thảo luận và người dân mong đợi”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ông nhận xét: “Bộ trưởng không chỉ là một nhà chính sách vĩ mô trong lĩnh vực này, đồng thời còn là một chuyên gia rất sâu sắc, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, trí nhớ rất tài, nhớ từng héc ta rừng, héc ta ruộng chuyển đổi, cho tới từng loại cây, loại con và những khó khăn bộ trưởng đều nắm được”.
Đánh giá phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là “rất tốt”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, nắm rất sâu sắc lĩnh vực phụ trách, và cũng có nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết tình hình.
Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân với tinh thần xung phong trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại lời Bộ trưởng rằng đã 4 nhiệm kỳ Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ không có đại diện của mình ở Quốc hội.
Với vị bộ trưởng thứ 4 đăng đàn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội cũng vui vẻ đánh giá, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “rất mượt mà, êm dịu, mềm mại”. Ông cũng mong Bộ trưởng tuy đã trả lời trôi chảy hết, song đổi mới phải căn bản, toàn diện, đạt chuẩn, không gây ra tâm trạng bức bối, bức xúc trong xã hội.
Chủ tọa phiên chất vấn đặc biệt giao trách nhiệm cho từng bộ trưởng những nội dung cần phấn đấu, khắc phục để làm cho tốt hơn vai trò trưởng ngành, “Tư lệnh lĩnh vực” của mình, nhất là những lời cam kết trước đại biểu Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.
Không chỉ đi đến cùng vấn đề, cách giữ nhịp chất vấn của Chủ tịch Quốc hội khiến cử tọa hết sức hài lòng; đồng thời giữ cho phiên chất vấn vừa sôi động, trách nhiệm nhưng cũng vừa “nhẹ nhàng, êm ái”.
Nét khác biệt nữa cần nhắc đến tại phần chất vấn kỳ họp lần này là việc tạo điều kiện, tận dụng gần như tối đa thời gian của chủ tọa dành cho những phần đối đáp giữa người hỏi và người trả lời. Nhiều lần, xen giữa những người hỏi mới, câu hỏi mới, Chủ tịch Quốc hội rất lưu tâm và tạo cơ hội cho những người hỏi lần hai với mong muốn làm rõ đến cùng vấn đề, để có lời giải đáp thỏa đáng từ phía các bộ trưởng.
Thể hiện sự theo dõi sát sao của mình đối với thông tin về hoạt động của Quốc hội trên các cơ quan thông tấn báo chí – sợi dây kết nối nghị trường với cử tri, ngay tại diễn đàn Quốc hội kỳ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn, đánh giá cao những đổi mới trong việc đưa tin của các cơ quan thông tấn báo chí về những diễn biến nghị trường những ngày qua.
Đó là đưa tin, bình luận, trực tiếp phỏng vấn trong và sau mỗi buổi chất vấn với sự tham gia của đông đảo cử tri, đại biểu, các chuyên gia và người thụ hưởng các chính sách liên quan. Những thông tin như vậy đã giúp các hoạt động của Quốc hội đến gần hơn với nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khen ngợi các cơ quan báo chí.
Dư luận và người dân cũng đang ngóng chờ hình thức chất vấn cuối cùng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tại phiên họp thứ 10 mà theo tiết lộ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có thể thay vì tiến hành chất vấn như hiện nay các đại biểu sẽ chất vấn các bộ trưởng, tư lệnh ngành, lãnh đạo chính phủ về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, cử tri từ đầu nhiệm kỳ.
Với những đổi mới liên tục theo hướng chuyên nghiệp và trách nhiệm từ cả các đại biểu Quốc hội lẫn các bộ trưởng, trưởng ngành và phương thức điều hành, mặc dù còn nhiều ý kiến góp ý cả với người hỏi, người trả lời, song có thể khẳng định rằng, phần chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 đã thực sự được nâng lên một tầm cao mới, đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri và đồng bào cả nước.