Đột phá theo Nghị quyết 57: 'Khoán 10' và vai trò người đứng đầu

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".

Với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Nghị quyết 57 đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng trong việc tìm hướng phát triển cho đất nước. Với các trí thức, nhà khoa học, Nghị quyết 57 như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10" cho hành trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam. Đồng thời đáp ứng mong mỏi về nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận chiến lược, tổng thể, bao trùm, cụ thể, thực chất, toát lên tinh thần vì con người, vì khát vọng phát triển của đất nước. Việc lần đầu tiên Tổng Bí thư- người đứng đầu Đảng ta là Trưởng ban Chỉ đạo một Nghị quyết về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho thấy tầm nhìn và cam kết chính trị đặc biệt đối với Nghị quyết này. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài "Đột phá theo Nghị quyết 57.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

"Khoán 10" và vai trò người đứng đầu

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới".  

Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt phải kể tới vai trò của người đứng đầu được kỳ vọng một "bước ngoặt lịch sử" của đất nước như thời kỳ "Khoán 10 trong nông nghiệp" trước đây một lần nữa, sẽ được hình thành.

Từ trách nhiệm trước nhân dân...

Nhắc đến "khoán 10" không thể nhắc tới ông Kim Ngọc - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người được coi là cha đẻ của chủ trương khoán 10. Những năm 1966-1967 của thế kỷ XX, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu làm ăn hợp tác xã, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc lại có quyết định táo bạo, có thể nói là liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân. Điều này vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lố lúc đó. 

Để có được tư duy đột phá này, nhiều học giả đã phân tích, Bí thư Kim Ngọc là người lãnh đạo rất năng động, sáng tạo, không bị rập khuôn vào những công thức có sẵn. Ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để sản xuất phát triển thực sự, mang lại hiệu quả. Lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo tính đúng đắn của những chủ trương chính sách chứ không phải lấy khuôn mẫu, quan điểm tập thể hóa, hợp tác hóa. Cùng với đó, quyết định khoán xuất phát từ quan điểm vì dân, làm thế nào để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân; làm thế nào để cho người nông dân đỡ khổ, làm thế nào để thúc đẩy sản xuất phát triển, để có đóng góp lớn cho đất nước.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

Việc quyết liệt triển khai Khoán 10 ở Bí thư Kim Ngọc còn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước địa phương mình, trước nhân dân.

Trải qua gần 60 năm phát triển, cụm từ "khoán 10" một lần nữa lại được nhắc tới trong bối cảnh đất nước ta đang tăng tốc bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm đầu là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm Đổi mới (1986-2026).

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được các nhà khoa học, trí thức nhận định như lời hiệu triệu, mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Với các nhà trí thức, nhà khoa học, Nghị quyết 57 như "khoán 10" trong bối cảnh mới, đem lại luồng sinh khí cho phát triển kinh tế-xã hội trong kỷ nguyên mới. 

...tới vai trò người đứng đầu

Bày tỏ kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nếu khoán 10 trong nông nghiệp trước đây đã tạo nên một cuộc cách mạng chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường thì Nghị quyết 57 có thể tạo nên sự đột phá về mô hình sản xuất mới dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính thúc đẩy mô hình, phương thức sản xuất kiểu mới. Quan điểm và mục tiêu Nghị quyết đề ra sẽ tác động rất mạnh không chỉ với cộng đồng nhà khoa học, mà là toàn xã hội", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tích bày tỏ. 

Tại Nghị quyết này, vai trò người đứng đầu được đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào việc dẫn dắt tới bước phát triển nhảy vọt của đất nước khi nêu rõ: "Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban".

Chú thích ảnh

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, việc Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết số 57 sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là một trong những lợi thế đầu tiên để triển khai Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Nghị quyết thực sự là lời hiệu triệu, là mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Lần này, Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này khẳng định quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển số. 

Hưởng ứng mạnh mẽ lời hiệu triệu này, ngay từ những ngày đầu của năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình dự thảo "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57" trong thời gian nhanh nhất để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chỉ trong hơn nửa tháng, ngày 9/1, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 3/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nêu rõ 7 nhiệm cụ thể với các Bộ, ban, ngành cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban hành kèm theo là Danh mục các chỉ tiêu cụ thể cho từng Bộ, ngành đến năm 2030; Danh mục các nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 theo từng mốc thời gian: Hàng năm, thường xuyên, tháng, năm.

"Với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được những thành công lớn, mang tính đột phá, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Niềm tin vào kỷ nguyên mới

Thu Phương (TTXVN)
Ban hành nghị quyết phát triển Quốc hội số
Ban hành nghị quyết phát triển Quốc hội số

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN