Đồng ý để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ, cho phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động...

Sáng nay 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. 

Trình bày tờ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện nay, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu mua mới, xây dựng mới trụ sở của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, chưa thực hiện sửa chữa lớn, cải tạo các trụ sở hiện có. 

Mức sinh hoạt phí tối thiểu cho cán bộ, nhân viên và phu nhân/phu quân đi theo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23/12/2005 của Chính phủ, sau hơn 11 năm chưa được điều chỉnh tăng. Vì vậy, hiện nay mức sinh hoạt phí của cán bộ tại Cơ quan đại diện đang ở mức thấp so với mức sống trung bình tại đa số các địa bàn. Đời sống cho cán bộ, nhân viên và gia đình đi theo gặp khó khăn. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại để hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, nhân viên công tác tại Cơ quan đại diện, phạm vi áp dụng không chỉ cho cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao mà còn của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ… và các Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Báo Nhân dân… 

Để tạo điều kiện cho các ngành có thêm nguồn kinh phí, chủ động hơn trong nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại nhà nước ngày càng cao, trong điều kiện bố trí ngân sách nhà nước còn khó khăn, Chính phủ đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” (Điều 14, dự thảo Nghị định). 

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Nghị định và cho rằng Nghị định này nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng như chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức của Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cho phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, về lâu dài phải tính đến các chính sách của nhà nước đối với hoạt động đối ngoại và chế độ với cán bộ đi làm công tác đối ngoại ở nước ngoài. Đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính nghiên cứu về chính sách này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập quỹ tạm giữ để thu các khoản phí mà qua hoạt động ngoại giao như thu từ công tác cấp visa, passport, ... song phải đảm bảo chế độ quản lý quỹ, không để tồn quỹ quá lớn. 

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép khi thu được rồi thì được trừ đi chi phí quản lý, số còn lại đồng ý được để lại một phần, để lại thế nào thì căn cứ vào tình hình cụ thể hàng năm. Tất cả các khoản này, cả thu và chi đều phải dự toán và được Quốc hội thông qua. Số vượt thu cũng phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.  

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về nợ công
Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về nợ công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về nợ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN