Quen mặt, đắt hàng
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa đó tiềm ẩn cả những cơ hội và những thách thức không hề nhỏ.
Hàng hóa thương hiệu Việt chịu sức ép ngày càng lớn khi hàng rào thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại tràn ngập. |
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, sức ép cạnh tranh ngày càng quyết liệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2016 đã kéo theo 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ. Hiện nay, các thương hiệu Việt bị cạnh tranh quyết liệt hơn, gay gắt hơn ngay cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường toàn cầu.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được năng lực cạnh tranh tốt không chỉ ở “sân nhà” mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường các nước ASEAN khi hàng rào thuế của các nước cũng bị xóa bỏ. Ngược lại nếu việc chuẩn bị hội nhập không tốt thì Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước. Do đó, không còn cách nào khác là chính bản thân các doanh nghiệp cần phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đồng thời chủ động xây dựng cho mình một chiến lược thương hiệu đúng đắn và hiệu quả.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, khi thương hiệu được khách hàng chấp nhập sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích. Đó là khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và sâu rộng hơn. Hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự nhưng mang thương hiệu xa lạ.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược của Công ty Richard Moore Associates cũng khẳng định, thương hiệu nổi tiếng không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ, mà còn là một sự đảm bảo thu hút đầu tư và gia tăng các quan hệ bán hàng. Khi đã mang thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư sẽ không còn e ngại khi đầu tư vào doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có những cách thức nào để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu khi mà thị trường hiện nay luôn tràn ngập các thương hiệu nội lẫn ngoại?
Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn, để người tiêu dùng ghi nhớ được thương hiệu và thông điệp của sản phẩm thì doanh nghiệp phải có chiến lược định vị thương hiệu. Định vị thương hiệu là một trong những hoạt động quan trọng của doanh nghiệp, vì nó có liên quan trực tiếp đến suy nghĩ và nhận định của người tiêu dùng; qua đó đánh giá mức độ thành công và vị trí của doanh nghiệp trên thương trường.
Về cách thức định vị thương hiệu DN, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Kết nối khối doanh nhân toàn cầu đánh giá rất cao vai trò của báo chí: “Chính báo chí cũng là kênh truyền thông hiệu quả để giúp xã hội hiểu và tôn vinh doanh nghiệp. Nếu trước kia, doanh nghiệp bị chịu nhiều định kiến, thậm chí giới kinh doanh bị coi là “con buôn” thì ngày nay đã được coi là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế đất nước. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu,quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp”.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, dẫn câu nói của các cụ xưa là “quen mặt, đắt hàng”, ông Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm: “Nếu doanh nghiệp dù có sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt đến đâu nhưng nếu không có sự hỗ trợ của báo chí trong truyền thông xây dựng thương hiệu thì cũng khó có thể được người tiêu dùng biết đến”.
“Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, hơn bao giờ hết, báo chí càng cần sát cánh, đồng hành để cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp”, ông Tuấn đề xuất.
Với kinh nghiệp 37 năm xây dựng thương hiệu, bà Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hương Sen rất trăn trở về việc nhiều thương hiệu Việt đã bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại và thôn tính. “ Nếu doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh thì hầu hết doanh nghiệp Việt phải xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Việc phát triển doanh nghiệp là không dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp đã không thể giữ được thương hiệu. Có những doanh nghiệp đã phải chấp nhận bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại thương hiệu để xóa sổ thương hiệu đó, nhằm chiếm vị trí thống lĩnh thị trường bằng thương hiệu riêng của họ”.
Theo bà Trần Ngọc Bích, báo chí cần giúp doanh nghiệp tôn vinh những sản phẩm tốt, hàng hóa dịch vụ tốt để người tiêu dùng biết tới. Đồng thời, báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng để phê phán những doanh nghiệp làm ăn chột giật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chủ động đồng hành
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ không có được sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự đồng hành của nhà báo. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ máu thịt và báo chí là đối tác, đồng hành với doanh nhân trong quá trình phát triển.
Doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu. |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng phải khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều những thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là công cuộc cải cách thể chế đang được phát động, những đổi mới trong hệ thống pháp luật, cũng như trong chỉ đạo điều hành của các bộ ngành địa phương đang diễn ra sôi nổi. Điều đó sẽ tạo động lực và niềm tin, tiếp tục hứa hẹn một năm mà doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội để bứt phá.
Nói về vai trò của báo chí với doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo chí đóng vai trò quan trọng giúp cho cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng. Nếu không có báo chí thì ý kiến của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính khó có thể đến được với Nhà nước.
Cùng với đó, báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa để cổ vũ và hỗ trợ doanh nghiệp thương hiệu Việt. “Một đất nước muốn phát triển phải có những doanh nghiệp mạnh và những thương hiệu mạnh”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị: “Báo chí sẽ luôn là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp tục giữ được khát vọng làm giàu cho mình và cho đất nước. Và có thể nói, những thành công, sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp thời gian qua, những nỗ lực trụ vững của các thuyền trưởng doanh nhân trong thời gian tới có công lớn, sự tiếp sức, khuyến khích thúc đẩy quan trọng của người bạn đường là các nhà báo và các cơ quan báo chí”.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, doanh nghiệp cần báo chí cung cấp thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, báo chí luôn cần thông tin về đời sống kinh tế của đất nước, trong đó, mảng thông tin rất quan trọng là các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Có thể nói, đời sống kinh tế của đất nước được phản chiếu hàng ngày từ các hoạt động của các doanh nghiệp thông qua báo chí.