Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: TTXVN |
* Phát huy vai trò hạt nhân trung tâm y tế chuyên sâu Đứng chân trên vùng đất miền Trung giàu truyền thống, Bệnh viện Trung ương Huế với lịch sử 120 năm là bệnh viện hạng đặc biệt, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bệnh viện đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế Việt Nam, đóng vai trò đầu tàu, hạt nhân trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Thừa thiên-Huế, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.
Ngày 2/3/2011 là thời khắc đi vào lịch sử của Bệnh viện Trung ương Huế và cả ngành y tế Việt Nam khi ca phẫu thuật ghép tim trên người đầu tiên do ê-kíp bác sỹ Việt Nam thực hiện thành công. Với sự kiện này, Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bản đồ ghép tim thế giới.
Cũng “lần đầu tiên” ở Việt Nam, tháng 6/2014, ê-kíp ghép tim và cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca mổ cấy tim nhân tạo bán phần Heartware cho bệnh nhân suy tim phổi giai đoạn cuối. Đồng thời, bệnh viện đã gặt hái những thành công bước đầu trong ứng dụng ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư, phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên, thụ tinh trong ống nghiệm và đưa vào sử dụng máy xạ trị gia tốc thế hệ mới hiện đại nhất Việt Nam để điều trị nhiều loại bệnh ung thư phức tạp... Từ những đỉnh cao trong y học đã đạt được, Bệnh viện Trung ương Huế đã trở thành địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị chất lượng cao.
Phát huy vai trò của một trung tâm y tế chuyên sâu, Bệnh viện Trung ương Huế ưu tiên phát triển nguồn nhân lực y tế vươn lên ngang tầm với trình độ y học thế giới. Ý thức được tầm quan trọng của đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong việc chinh phục những kỹ thuật can thiệp y khoa khó khăn phức tạp nhất, Bệnh viện đã chủ động gửi cán bộ đi đào tạo trong và ngoài nước với nhiều chuyên khoa khác nhau.
Đội ngũ này đã góp phần thực hiện thành công những ca phẫu thuật tim hở đầu tiên và giờ đây họ là những phẫu thuật thuật viên tim mạch, những chuyên gia tim mạch học tài năng đang gánh vác trách nhiệm đối với sự phát triển của Trung tâm tim mạch.
Tính đến nay, Trung tâm tim mạch đã phẫu thuật tim hở hơn 10 nghìn trường hợp; can thiệp tim mạch hơn 15 nghìn trường hợp. Hàng năm, bệnh viện đón 450 nghìn lượt bệnh nhân khám bệnh; 95 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú; 27 nghìn ca phẫu thuật. Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực ghép tạng, như: ghép thận; ghép tế bào gốc; ghép giác mạc; phẫu thuật nội soi; điều trị ung thư… Những con số tưởng chừng như khô khan đó là “trái ngọt“ nói lên những bước đi dài của bệnh viện.
Hiện Bệnh viện đã hình thành 7 trung tâm, 56 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 11 phòng chức năng…; là cơ sở đào tạo thực hành thạc sĩ, tiến sĩ y khoa trong cả nước; hỗ trợ 9 bệnh viện tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhờ sự đầu tư nguồn nhân lực đồng bộ, bài bản và lâu dài, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ của bệnh viện có gần 2.500 người, trong đó có 400 bác sĩ với trình độ sau đại học (chiếm 70%); 200 cán bộ được tu nghiệp ở nước ngoài từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nguồn nhân lực đó là những viên gạch “hồng tâm” để xây nên tòa nhà bền vững của khoa học, của trí tuệ và nhân văn trên nền đất hiếu học.
Một trong những “chìa khóa“ mang lại thành công trong quá trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, đó là việc huy động các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại. Trong 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng các công trình hiện đại được Bộ Y tế đánh giá là đơn vị thu hút vốn đầu tư qua hợp tác quốc tế hiệu quả nhất.
Thực hiện Kết luận 175 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020, trong đó có nội dung: “Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; cùng với trường Đại học y dược Huế trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao”, Bệnh viện Trung ương Huế đang tập trung hoàn thiện hai mô hình: Bệnh viện đa trung tâm và hợp tác Trường Đại học Y dược Huế - Bệnh viện Trung ương Huế để hình thành Trung tâm Y học cao cấp.
Trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng hệ thống y tế công bằng, giá cả hợp lý, hiệu năng; có kỹ thuật y học thích hợp, hòa hợp với môi trường, thân thiện, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân; cải cách thủ tục hành chính; phát huy sáng kiến, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ hoa học kỹ thuật y khoa trình độ cao vào thực tiễn công tác khám chữa bệnh.
Các phong trào thi đua tiêu biểu của Bệnh viện, như: phong trào “Ba xin”,“Nụ cười bệnh nhân - niềm vui người thầy thuốc”, “Đón tiếp niềm nở - chu đáo, điều trị kịp thời - hiệu quả, ứng xử thanh lịch - văn minh” và thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế… đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
* Đồng hành cùng dân tộc Kể từ khi thành lập (năm 1981) đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng vào các mục tiêu trọng yếu: Kế thừa, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”; xây dựng tổ chức Giáo hội phát triển vững mạnh; gương mẫu hưởng ứng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động về Phật sự cũng như đóng góp vào quá trình đồng hành cùng dân tộc trên các mặt hoạt động mới. Hiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có khoảng 50.000 tăng ni, 17.000 ngôi tự viện và 12 triệu tín đồ phật tử có điệp Quy y, hàng chục triệu đồng bào yêu mến và tin quý đạo Phật đang sinh hoạt tại các đạo tràng, câu lạc bộ và các hội chúng Phật giáo ở các tự viện trên toàn quốc.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo Giáo hội đã cùng các bậc cao tăng thạc đức thuộc các hệ phái Phật giáo trong Giáo hội quan tâm kiện toàn tổ chức, làm cơ sở để triển khai các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt Phật giáo cho bà còn kiều bào, Giáo hội đã công nhận 7 hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Ba Lan, Séc, Đức, Nga, Hungary, Ukraine và Lào.
Giáo hội đã 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 và 2014, qua đó giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam cũng như Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị trí Phật giáo Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước và tăng cường hợp tác quốc tế.
Công tác giáo dục tăng ni, công tác hoằng pháp, truyền thông, từ thiện xã hội luôn được lãnh đạo Giáo hội quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan xây dựng được một số chùa ngoài đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây... và một số ngôi chùa ở vùng tiền tiêu, biên giới như Trúc Lâm Tà Lùng, Trúc Lâm Bản Giốc, chùa Tân Thanh… mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, hằng năm, Giáo hội đều hướng dẫn các cấp Giáo hội tuyên truyền đến cộng đồng tăng, ni, phật tử hiểu, thực hiện đúng các chủ trương, chính sách về tôn giáo; đoàn kết, hòa hợp để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, Giáo hội còn chú trọng đời sống tâm linh cho bà con các dân tộc ở các khu vực, vùng miền trên cả nước, trong đó có vùng đồng bào các dân tộc ít người ở miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc.
Trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, các vị chư tôn đức giáo phẩm, quý vị tăng ni, cư sĩ, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần lục hòa cộng trụ, tăng cường đoàn kết hoà hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ, các vùng miền; mở rộng, tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết thân ái giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam và đồng bào phật tử Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Phát huy vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội sẽ đảm đương tốt vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất cho tăng ni, phật tử Việt Nam cả ở trong nước và ở nước ngoài, tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hộiBám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển khoa học – công nghệ, trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015, nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học – công nghệ, trong đó có lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ hiện đang quản lý, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả thiết bị hạt nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay, đó là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, có công suất khiêm tốn: 500 kWt nhưng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy chương trình phát triển điện hạt nhân của nước ta.
Sau 30 năm vận hành, sản phẩm và dịch vụ nhờ sử dụng lò hạt nhân đã cung cấp cho các ngành y tế, công-nông nghiệp, ngày càng được xã hội nhìn nhận và đánh giá cao. Dược chất phóng xạ sản xuất trên lò phản ứng đã và đang cung cấp thường xuyên cho 25 các bệnh viện có khoa y học hạt nhân trong cả nước; phục vụ chẩn đoán, điều trị cho khoảng 300 ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm.
Kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí đã được áp dụng thành công, bao gồm xác định mặt cắt tiếp nhận nước bơm ép, hiện tượng ngập lụt giếng dầu, đánh giá lượng dầu dư bão hòa của mỏ dầu,... không những làm cho dịch vụ trong nước mà đang vươn ra thị trường của các quốc gia giàu dầu khí ở Trung Đông.
Ông Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết: Với nhận thức việc vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là một nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục nâng cấp nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của lò phản ứng, duy trì hoạt động an toàn và khai thác hiệu quả.
Trong những năm qua, tập thể cán bộ khoa học của Viện và ngành Khoa học – công nghệ đã không ngừng mở rộng hợp tác để thực hiện một số dự án nâng cấp, đảm bảo an toàn, an ninh cho lò phản ứng và các hệ công nghệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Bên cạnh với các ứng dụng có sử dụng lò phản ứng, các ứng dụng của công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cho các ngành. Kỹ thuật chiếu xạ bằng nguồn Co-60 và máy gia tốc electron đã được ứng dụng thành công, làm dịch vụ chiếu xạ hàng nông, hải sản và đông dược để xuất khẩu.
Hướng ứng dụng này đã được xã hội hóa và đã hình thành nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp nhận công nghệ và đầu tư, mang lại hiệu kinh tế quả cao cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để chiếu xạ đột biến tạo giống cây trồng được nghiên cứu và ứng dụng nhiều năm nay và đã đạt được những thành tựu xuất sắc.
Lĩnh vực nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân đã có những bước chuẩn bị từ nhiều năm nay. Dấu mốc quan trọng là ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41 về chủ trương xây dựng nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có công suất khoảng 4.000MW, công nghệ lò phản ứng nước nhẹ thế hệ hiện đại nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chủ trương trên, các đơn vị thuộc ngành năng lượng nguyên tử nói chung và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói riêng đã tập trung vào việc hoàn thiện các văn bản phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, xây dựng các quy định để ứng phó với các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Tập thể các cán bộ khoa học của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tham gia vào lựa chọn công nghệ cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, đánh giá tác động môi trường của 2 địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên tại các huyện Phước Dinh và Vĩnh Hải của tỉnh Ninh Thuận; tham gia thẩm định các báo cáo phân tích an toàn của dự án điện hạt nhân, triển khai thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Trung tâm Khoa học – Công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới để hỗ trợ cho dự án Điện hạt nhân và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thành tích về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được đánh giá cao bằng việc chuẩn bị, đàm phán và ký kết Hiệp định song phương với Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) vào tháng 5/2014, sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam lựa chọn công nghệ hạt nhân tiên tiến, hiện đại nhất, đã được kiểm chứng và bảo đảm an toàn.
Những hoạt động của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong gần 40 năm hình thành và phát triển đã thể hiện sự trưởng thành, tạo tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho bước phát triển của ngành năng lượng nguyên tử trong thời gian tới.
Cũng trong chiều nay, đại hội đã xem các phóng sự và nghe tham luận của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao về việc cắm mốc hoạch định đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) xây dựng, phát triển thương hiệu trong thời kỳ hội nhập; huyện Đơn Dương, Lâm Đồng trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…