Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc

Sáng 6/11, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2020-2025) về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội...

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2020-2025), Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết đến các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên theo đúng kế hoạch, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt trên 95%.  

Theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Từ sau Đại hội XIII đến nay, Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo ban hành hàng chục Nghị quyết, Đề án, Quy trình, Chương trình hành động về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỉnh tập trung phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực như: hành chính, đất đai, xây dựng cơ bản, kế hoạch đầu tư,… Qua đó, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt hơn.

Vĩnh Phúc xác định con người là yếu tố trung tâm, là chủ thể và cũng là động lực của sự phát triển. Mục tiêu đột phá về phát triển nguồn nhân lực đã được xác định qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ trước và được yêu cầu cao hơn trong Nghị quyết Đại hội XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều Nghị quyết, Đề án, Chương trình hành động đã được ban hành và được thực hiện nhằm cụ thể hóa quan điểm đó như: Chính sách đặc thù về xây dựng đội ngũ tri thức và trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc; Đề án về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và nhiều Đề án, chính sách quan trọng khác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục thực chỉ đạo hiện hiệu quả Nghị quyết về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025. Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hoá, được triển khai nếu hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh và các tỉnh lân cận...

Trong công tác xây dựng Đảng, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị, chính sách phát triển và một số chuyên ngành yêu cầu. Tỉnh coi trọng, ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 với trọng tâm là hình thành được đội ngũ chuyên gia giỏi của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực... 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Quy định việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm thông qua khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo theo từng lĩnh vực phụ trách và cán bộ phải nhận những việc mới, việc khó. Năm 2021, tỉnh thực hiện thí điểm giao nhiệm vụ cho người đứng đầu 6 sở và Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Qua 9 tháng triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt nhiệm vụ được giao như số lượng đảng viên kết nạp mới tại các địa phương là 1.261 đảng viên, tăng 230% so với cùng năm 2020 (546 đảng viên), nhiều vụ việc phức tạp tồn tại từ lâu đã được giải quyết.

Về lĩnh vực kinh tế, Vĩnh Phúc cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 tăng 14,2%, cao thứ 3 toàn quốc; 9 tháng năm 2021 tăng trưởng đạt 9,6%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước. Thu hút vốn đầu tư của tỉnh tiếp tục là điểm sáng. Đến tháng 10/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 86 dự án, trong đó có 32 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đạt 16.365 tỷ đồng, tăng 110,2% so với cùng kỳ; 54 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt 994 triệu USD, tăng 122,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 31/10/2021 đạt 27.694 tỷ đồng, đạt 90% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 23.538 tỷ đồng, đạt 87% dự toán, bằng 124% so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm. Chính sách an sinh được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1% (không có hộ nghèo là gia đình người có công). Lĩnh vực giáo dục được đặc biệt chú trọng, Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh đạt 99,36%, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi. 

Vĩnh Phúc đề nghị Trung ương một số nội dung, trong đó cần có định nghĩa, làm rõ các nội hàm về năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đột phá và dám đột phá, lợi ích chung. Trung ương cần quy định cụ thể hơn về vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và cả trách nhiệm của tập thể trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; xây dựng cơ chế đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ có tính đến yếu tố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Xây dựng quy trình đề xuất, phản hồi, thảo luận, chấp nhận, phê duyệt; quyết định, thực hiện, giám sát, đánh giá... đối với các sáng kiến mới chưa có tiền lệ; quy định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học. 

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương có 5 yêu cầu cơ bản để cán bộ được bảo vệ khi dám nghĩ, dám làm:  Trong trường hợp pháp luật chưa có quy định rõ thì làm những điều pháp luật không cấm và theo yêu cầu thực tiễn; Ý tưởng, sáng kiến được đánh giá có tính mới, sáng tạo về cách nghĩ, cách làm hay, chưa có tiền lệ; Làm vì lợi ích chung, không vụ lợi, tư lợi, tham ô, tham nhũng, tiêu cực; Mang lại lợi ích tổng thể, dài hạn là tích cực cho người dân, cho sự đổi mới và phát triển; Được tập thể cơ quan, tổ chức, đơn vị (ít nhất 1/2 thay vì tất cả) ủng hộ hoặc được dư luận, người dân đồng tình (qua các cuộc thăm dò ý kiến người dân trên các phương tiện truyền thông).

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Vĩnh Phúc là tỉnh có cách làm mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế- xã hội, trong phòng, chống dịch COVID-19... Điều này thể hiện rõ ở các chỉ tiêu, mục tiêu đã đạt được thể hiện trong báo cáo, trong ý kiến phát biểu tại buổi  làm việc.

Đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Vĩnh Phúc được coi là phức tạp, đồng thời là tỉnh đầu tiên chịu sự ảnh hưởng lớn lây lan của dịch này. Trong khi các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với đất nước còn mới mẻ, chưa có những giải pháp, biện pháp, phác đồ điều trị đầy đủ, thông tin về dịch bệnh còn thiếu... Song, từ thời điểm đầu năm 2020, Vĩnh Phúc đã chủ động tự tìm ra những cách làm hay, sáng tạo và chuyển biến tích cực, nhất là trong điều trị, cách ly, khoanh vùng... Đó là bài học cho nhiều địa phương khác trong nước học tập kinh nghiệm để phòng, chống dịch COVID-19 sau này.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc cần nghiên cứu kỹ và tiếp tục sáng tạo, đổi mới để thúc đẩy sự phát triển ở các lĩnh vực nhưng cần phải dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ. Tỉnh cần coi trọng hơn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên các kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, kỹ năng quản lý nhưng phải đặc biệt coi trọng đến lập trường, bản lĩnh, kiên định đường lối đối mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng...

Tin, ảnh: Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc

Chiều 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN