Cùng điểm lại những phát triển của ARF thời gian qua, các nước đánh giá ARF tiếp tục là diễn đàn hàng đầu trong khu vực về an ninh, đạt nhiều kết quả trong xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa. Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, Diễn đàn vẫn duy trì với 24 hoạt động trên nhiều lĩnh vực; trong số đó có đối thoại giữa các quan chức quốc phòng, đối thoại chính sách an ninh, vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)1982, an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa. Các hoạt động này đóng góp thiết thực cho các nỗ lực xây dựng lòng tin giữa các nước. Cùng với đó, Kế hoạch hành động Hà Nội II giai đoạn 2020-2025 cũng đạt được những tiến triển ban đầu với 12 hoạt động đã và đang được triển khai.
Trong trao đổi về định hướng tương lai của ARF, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của ARF là diễn đàn hàng đầu về thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng về các vấn đề an ninh ở khu vực, ủng hộ ARF nâng cao tính hành động và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm. Hội nghị thông qua 38 hoạt động cho năm 2021-2022 trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, rác thải biển, luật biển và nghề cá, an toàn giao thông phà; trong đó, Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động như tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển, tiêu chuẩn an ninh, an toàn trong sử dụng năng lượng hạt nhân, ứng phó và phục hồi dịch bệnh.
Các nước nhất trí cần nỗ lực hơn nữa ứng phó các thách thức an ninh chung như khủng bố, mua bán người, an toàn công nghệ thông tin, tội phạm xuyên quốc gia, do diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của các thách thức này trong bối cảnh dịch COVID-19. Nhận định về tính phức tạp của các vấn đề được bàn thảo, các Bộ trưởng yêu cầu thúc đẩy phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả ứng phó.
Trước tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương, khu vực và quốc tế trong ngăn ngừa, ứng phó và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh. Các nước kêu gọi sớm khôi phục mở cửa thị trường, kết nối các chuỗi cung ứng để bảo đảm an ninh lương thực và duy trì hoạt động kinh tế, đẩy nhanh phục hồi toàn diện ở khu vực. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng hiệu quả, an toàn, chất lượng.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Hội nghị chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các Ngoại trưởng tái khẳng định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, đề cao luật pháp quốc tế, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nước hoan nghênh tiến triển mới trong xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS1982.
Các thành viên ARF hoan nghênh việc Bộ trưởng Ngoại giao II Brunei được cử làm Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đề nghị triển khai đầy đủ và nhanh chóng Đồng thuận 5 điểm của các nhà Lãnh đạo ASEAN, khẩn trương hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar và khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn và tìm kiếm giải pháp vì lợi ích của người dân.
Tham dự Hội nghị, đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp và chia sẻ quan trọng. Đánh giá về quá trình gần 30 năm hoạt động, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ARF đã chứng tỏ được giá trị và thế mạnh của Diễn đàn trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực. Chia sẻ quan ngại về tác động của dịch COVID-19 đến đời sống kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho rằng chung tay hành động là sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh, đề nghị các đối tác trong ARF, đặc biệt là những nước sản xuất vaccine hàng đầu, tiếp tục hợp tác cùng ASEAN bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ vaccine. Việt Nam mong muốn các nước tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào đối thoại và hợp tác, vì hòa bình và an ninh bền vững ở khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN và Việt Nam; nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn hại tới môi trường biển. Bộ trưởng chỉ rõ cần xử lý tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 – cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước ASEAN khác và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xây dựng bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Cùng các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN đã nhất trí cử Bộ trưởng Ngoại giao Brunei làm Đặc phái viên về Myanmar và Tổng Thư ký ASEAN làm Điều phối viên hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar; nhấn mạnh ASEAN cần triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar, và kêu gọi sự ủng hộ của các đối tác cho ASEAN trong các nỗ lực này.
* Kết thúc Hội nghị, các nước thông qua Tuyên bố thúc đẩy chương trình nghị sự Thanh niên, Hòa bình và An ninh đề cao vai trò, đóng góp và sự tham gia của thanh niên vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh. Chủ tịch ARF-28, Brunei sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị.