Đây là tuyên bố hiếm hoi của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump về cách tiếp cận riêng biệt đối với khu vực này trong khi sự phối hợp với Trung Quốc vẫn còn là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên và những tranh cãi về vấn đề Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore, Bộ trưởng Mattis đã trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền mới tại Mỹ về khu vực này. Ông nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng các liên minh tạo ra các con đường cho hòa bình, thúc đẩy các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế với các nước có cùng quan điểm, trong khi kiềm chế kế hoạch của những nước muốn tấn công các nước khác hoặc tìm cách áp đặt ý chí của họ lên các nước khác.
Ở điểm thứ hai, Mỹ có kế hoạch tăng cường nỗ lực tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và an ninh của mình. Ông coi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng. Ông chủ Lầu Năm Góc nhắc đến hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, dường như để thể hiện thiện ý của Mỹ, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ASEAN.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mattis tuyên bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy các năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á, cho rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao. Ông cho biết, 60% khí tài chiến thuật trên không của Mỹ ở nước ngoài sẽ sớm được phân bổ" tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một nội dung khác đáng quan tâm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis là việc ông đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các hoạt động trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bộ trưởng Mattis đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ không chấp nhận" việc Trung Quốc triển khai vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông Mattis nhấn mạnh Mỹ phản đối các hoạt động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và những tuyên bố hải phận không chính đáng.
Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng” làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế cũng như phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ. Ông cũng khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ sẽ ưu tiên và nỗ lực trong chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh.
Trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ đã không ngừng hối thúc Trung Quốc có động thái mạnh mẽ nhằm kiềm chế quốc gia này. Ông Mattis cho rằng việc Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của quốc tế thực sự đang gây ra "mối lo ngại rõ ràng và hiện hữu".
Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao cũng như gia tăng sức ép về mặt kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân. Mỹ cũng hoan nghênh Trung Quốc hợp tác cùng cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.